Giá điện phải tiệm cận giá thị trường nhưng có lộ trình

Bên hành lang Quốc hội (QH) sáng 8-11, ĐBQH Hoàng Quang Hàm, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính- Ngân sách của QH cho rằng, giá cả nhiều dịch vụ như viện phí, học phí, giá điện... sẽ phải tiệm cận theo giá thị trường nhưng cần phải có bước đi phù hợp để đảm bảo phát triền bền vững.

Theo ĐB Hàm, khi điều chỉnh giá mặt hàng nào ngay lập tức sẽ ảnh hưởng đến người dân và chỉ số giá tiêu dùng. Tuy nhiên, năm nay dư địa chỉ số giá tiêu dùng vẫn còn, Chính phủ có thể điều chỉnh giá một số hàng hóa dịch vụ. Trên thực tế, khi tăng giá mặt hàng nào đó sẽ ảnh hưởng đến đời sống người dân và hoạt động của doanh nghiệp nhưng về lâu dài Nhà nước không thể bao cấp mãi mà cần đưa giá theo thị trường.

Giá điện phải tiệm cận giá thị trường nhưng có lộ trình ảnh 1
ĐBQH Hoàng Quang Hàm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH. Ảnh: TP

Cùng với đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho người nghèo. Chẳng hạn như khi viện phí tăng thì người nghèo được bảo hiểm chi trả hay như nếu tăng giá điện sẽ cần có chính sách hỗ trợ giá cho đối tượng chính sách, hộ nghèo,….

ĐB Hàm cũng cho rằng nếu tăng chi phí tiền điện sẽ ảnh hưởng ngay đến đầu vào sản xuất, tiêu dùng nhưng nếu không tăng giá điện, Nhà nước phải bù lỗ.

"Điện là mặt hàng đặc biệt nên nhà điều hành phải hài hòa lợi ích của người dân, Nhà nước, doanh nghiệp. Lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng trong đó có giá điện phải tiệm cận theo giá thị trường mà Chính phủ đã xác định là chắc chắn rồi. Nhưng nó phải đi theo xu hướng không gây nên bất ổn, không gây ảnh hưởng lớn quá đến người dân, có lộ trình phù hợp, đảm bảo phát triển bền vững" - ĐB Hàm nêu quan điểm.

Ngoài ra, ĐB Hàm kiến nghị Chính phủ cần có những chính sách thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào ngành điện. Nguyên lý thu hút đầu tư là phải đảm bảo lợi nhuận cho nhà đầu tư, thu hút đầu tư không chỉ về giá mà còn có các chính sách về thuế, phí... và tháo gỡ nhiều vấn đề khác nữa.

Doanh thu tăng, EVN vẫn lỗ gần ngàn tỉ đồng

Báo cáo tài chính mới đây của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy trong sáu tháng đầu năm 2016, doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ của EVN đạt 130.686 tỉ đồng, tăng 19.230 tỉ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu tài chính của EVN tăng 126% lên 3.352 tỉ đồng.

Tuy nhiên, lợi nhuận của EVN lại âm. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của EVN âm 716 tỉ đồng (sáu tháng năm 2015 EVN lãi 888 tỉ đồng), riêng công ty mẹ lỗ 930 tỉ đồng (sáu tháng năm 2015 lãi 450 tỉ đồng).

Nguyên nhân lỗ được EVN đưa ra là do lỗ chênh lệch tỉ giá (tỉ giá đồng yen Nhật tăng mạnh). 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm