Hàng Việt còn yếu thế trên sân nhà

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết sau ba năm vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tỉ trọng hàng Việt trong kênh bán lẻ hiện đại tăng rõ rệt, hiện chiếm 70%-90% lượng hàng hóa trong kênh này. Tuy nhiên, tỉ lệ bao phủ hàng hóa của các ngành hàng chưa đồng đều, có ngành chỉ đạt tỉ lệ dưới 40%.

Nguyên nhân được bà Nga phân tích là chủng loại hàng hóa chưa phong phú, chất lượng chưa cao, bao bì mẫu mã đơn điệu so với hàng hóa ngoại nhập cùng loại. Ngoài ra, quy mô vốn của doanh nghiệp (DN) phân phối bán lẻ còn thấp, thiếu mặt bằng, các dịch vụ hỗ trợ chưa phát triển nhất là dịch vụ kho vận, phong cách phục vụ, hậu mãi. Một số DN còn lợi dụng khuyến mại để tiêu thụ hàng tồn, hàng nhái, hàng sắp hết hạn sử dụng… ảnh hưởng đến lợi ích và lòng tin của người tiêu dùng.

Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Hạnh, Tổng Giám đốc Sài Gòn Co.op, hiện nay hàng Trung Quốc đang tràn ngập khắp Việt Nam với giá rất rẻ và cũng là một nguyên nhân khiến hàng Việt Nam bị lép vế. “Thị trường nội địa vốn bị DN trong nước bỏ trống trong một thời gian dài lại thêm việc bãi bỏ thuế nhập khẩu đối với một số nước từ năm 2009 chính là đòn bẩy cho hàng ngoại tràn vào. Nếu không có chính sách hỗ trợ cụ thể cùng giải pháp lâu dài thì DN sản xuất kinh doanh hàng Việt sẽ thua ngay trên sân nhà” - bà Hạnh nhận định.

Để tháo gỡ những hạn chế trên, bà Lê Thị Nga cho biết sắp tới Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đề xuất với Chính phủ các cơ chế, chính sách hỗ trợ DN về đào tạo, tư vấn pháp lý, tiếp thị và xúc tiến thương mại, ưu đãi thuế, phí, đồng thời nghiên cứu xây dựng quỹ cho DN phân phối trong nước vay ưu đãi nhằm hỗ trợ tạo lập mặt bằng bán lẻ…

TRÀ PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm