Ngân hàng “xiết nợ” tiền chuyển khoản

Công ty Q. là chủ đầu tư một số công trình xây dựng. Công ty C. là đơn vị trúng thầu thi công công trình.

Theo thỏa thuận thì chủ đầu tư sẽ cấp vốn cho nhà thầu để mua vật tư, thiết bị, trả công lao động... từng đợt theo tiến độ thi công. Tuy nhiên, khi rót vốn lại gặp trục trặc.

“Ngắt nhéo” từ 10% đến 30%

Vì số tiền trên không thể đưa bằng tiền mặt nên chủ đầu tư chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng cho đơn vị trúng thầu. Ai ngờ đâu, đơn vị này trước đó còn nợ ngân hàng gần 70 tỷ đồng, nên khi thấy tiền đổ vào tài khoản thì ngân hàng đã “xiết” luôn khoản tiền này, xem như là tiền... trả nợ! Lần thì “ngắt” chừng 10% - 15% số tiền chuyển khoản, lần thì “bắt cóc” đến 30%. Ba, bốn lần chuyển khoản đều bị ngân hàng xiết như vậy.

Đơn vị trúng thầu tuy được chuyển tiền nhưng lại bị ngân hàng thu nợ. Phần tiền rút ra được đã ít hơn dự tính, mà giá thép, giá vật liệu lại tăng cao khiến đơn vị này càng không đủ tiền xoay sở, làm công trình bị chậm trễ.

Nhà thầu cùng chủ đầu tư và ngân hàng đã nhiều lần thương lượng với nhau về việc “tha” cho phần tiền chuyển khoản nhưng ngân hàng không chịu. Công ty C. cho biết chủ đầu tư thì nhất quyết phải chuyển qua tài khoản trên, không thể chuyển tiền mặt, cũng không thể chuyển tài khoản khác. Nhà thầu xin ngân hàng “nhả” 100% tiền chuyển khoản để làm nhanh công trình, công trình xong thì mới có thể nhanh chóng trả hết nợ cho ngân hàng. Phía ngân hàng thì cũng cho rằng họ còn phải tuân thủ các nguyên tắc phải đảm bảo thu hồi nợ nên buộc phải tiến hành thu được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Tóm lại là cứ thấy chuyển khoản thì ngân hàng vẫn cứ “ngắt nhéo”!

Có nợ thì... lo né

Công ty C. cho biết đành phải chịu tình trạng trên vì quả thật ngân hàng có quyền giữ lại tiền chuyển khoản để thu nợ, thậm chí có thể giữ toàn bộ tiền chuyển vào tài khoản đó chứ không chỉ giữ 10% - 30 %.

Trên thực tế, để tránh bị giữ lại tiền như trường hợp trên, nhiều doanh nghiệp đã phải tìm cách khác để giao dịch như giao tiền mặt hay mở tài khoản ở ngân hàng khác...

Ông Nguyễn Trọng Hạnh, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, cho biết hiện nay không có quy định nào bắt buộc mỗi doanh nghiệp chỉ được mở một tài khoản ngân hàng. Vì vậy, doanh nghiệp có thể mở tài khoản ở nhiều ngân hàng khác nhau. Tuy nhiên, về nguyên tắc, khi mở tài khoản thì doanh nghiệp phải thông báo cho cơ quan thuế biết về tài khoản đó của doanh nghiệp.

Hiện nay, công trình trên được tiếp tục thi công là nhờ sự “tiếp sức” từ nguồn tiền của các hợp đồng khác mà công ty C. nhận thầu. May mà các khoản thu đó được chuyển khoản qua tài khoản ở ngân hàng khác, không phải ngân hàng mà công ty này mắc nợ. Thậm chí, công ty C. cho biết vừa được đối tác báo chuyển tiền là phải lập tức “giải tán” tiền, không thì có thể bị xiết nợ. “Nếu không rút ngay thì hệ thống liên ngân hàng (kết nối thông tin của các ngân hàng với nhau) sẽ báo cho ngân hàng chủ nợ biết và họ có quyền yêu cầu ngân hàng bên này giữ tiền lại để trả nợ cho họ”.

Ngoài ra, để tránh bị “bắt cóc” tiền chuyển khoản, công ty này ráng đàm phán nhận tiền mặt, né ngân hàng kẻo xảy ra “rủi ro”.

QUỲNH NHƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm