Nông sản nội phải cạnh tranh khốc liệt

Các mặt hàng nông sản khi xuất khẩu sẽ không còn được hưởng bầu sữa trợ cấp như trước nay. Thêm vào đó, các mặt hàng nông sản của nước ngoài khi nhập khẩu đã được cắt giảm thuế rất nhiều. Đây sẽ là một thách thức lớn đối với ngành nông nghiệp nước ta.

Sữa, thịt gặp khó khăn nhất

Mức cắt giảm thuế nhập khẩu nông sản theo cam kết WTO là khoảng 20% so với trước đây là 24,5%. Theo cơ cấu cam kết, chúng ta sẽ cắt giảm khoảng 500 dòng thuế nông sản. Trong đó, các ngành hàng bị cắt giảm mạnh là sản phẩm từ chăn nuôi, rau quả và nông sản chế biến.

Theo ông Từ Minh Thiện, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp TP.HCM, khi mở cửa thị trường thì nhóm hàng sữa, thịt sẽ khó khăn nhiều nhất do gặp phải những đối thủ cạnh tranh mạnh như Mỹ, Úc, New Zealand...

Trước đó, để bảo vệ sản xuất trong nước, chúng ta đã áp dụng mức thuế khá cao với các loại thịt nhập khẩu, tức là khoảng 20% đối với thịt bò và 30% với thịt heo. Nhưng bây giờ cam kết đã có hiệu lực nên ta buộc phải giảm xuống còn 14% và 15%. Với mức thuế này, thị trường trong nước sẽ không tránh khỏi sự gia tăng mạnh mẽ các sản phẩm thịt ngoại nhập...

Như vậy, giá cả sẽ bị tác động mạnh dẫn đến nhiều bất lợi cho doanh nghiệp trong nước. Xét về sản lượng, chất lượng hay giá cả sản phẩm chăn nuôi thì hiện nay thị trường Việt Nam đều có mức cạnh tranh thấp hơn so với các nước. Bên cạnh đó, chúng ta còn phải đối mặt với trình độ sản xuất hiện đại và trợ cấp của những nước phát triển.

Đối với các loại trái cây có múi như cam, quýt, bưởi... chúng ta cũng buộc phải giảm thuế từ 40% xuống 20%, dù ngành sản xuất rau quả có sản lượng còn thấp, xuất khẩu chưa nhiều. Hiện tại, rau quả của Thái Lan, Trung Quốc vẫn đang chiếm ưu thế trên thị trường nước ta do những nước này có trình độ công nghiệp chế biến rau quả tốt hơn. Vì vậy, một khi đã mở cửa, chắc chắn chúng ta vẫn sẽ gặp áp lực cạnh tranh rất lớn từ những quốc gia này.

Cần có biện pháp tự vệ

ý kiến cho rằng thời gian qua chúng ta đã bảo hộ khá “gắt” cho thị trường nông sản trong nước. Thế nhưng doanh nghiệp vẫn khá vất vả trong cạnh tranh với các sản phẩm ngoại nhập. Như vậy, sau khi mở cửa, hàng Việt Nam chưa kịp xuất khẩu nhiều thì đã bị chèn ép không thương tiếc bởi hàng ngoại.

Tuy nhiên, ông Lương Văn Tự, Thứ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương) cho rằng dù bỏ trợ cấp xuất khẩu nhưng theo cam kết WTO, người nông dân và người chế biến nông sản vẫn được hưởng trợ cấp trực tiếp 10%. Chẳng hạn, thu nhập bình quân mỗi năm của ngành nông nghiệp là khoảng 11 tỷ USD thì trợ cấp 10% sẽ tương đương 1,1 tỷ USD. Như vậy, về lâu dài con số này đủ để có thể bảo vệ ngành nông nghiệp của Việt Nam.

Ngoài ra, chúng ta cũng áp dụng loại thuế mới là hạn ngạch thuế quan. Trước đây chúng ta chỉ áp dụng hạn ngạch, tức biện pháp định lượng nhập khẩu. Theo cam kết WTO, chúng ta chấp nhận đưa hạn ngạch thuế quan áp dụng với bốn nhóm hàng: đường, trứng, lá thuốc lá, muối. Cụ thể với đường thô, chúng ta sẽ áp dụng hạn ngạch thuế quan 55 ngàn tấn với mức thuế 25%, với lượng nhập ngoài hạn ngạch ta có thể áp mức thuế cao gấp đôi.

Theo ông Từ Minh Thiện, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp TP.HCM, để đối phó với tình trạng trên, thời gian qua các nhà sản xuất trong nước cũng đang tập trung đầu tư cải thiện chất lượng sản phẩm và giảm chi phí sản xuất. Đồng thời, chúng ta cũng đang cố gắng hoàn thành việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất và “nhắm” vào những mặt hàng mới để tránh cạnh tranh. Quan trọng là chúng ta cũng cần nhanh chóng xây dựng hàng rào tự vệ cho nông sản trong nước bằng việc đề ra cơ chế kiểm tra gắt gao hơn đối với hàng ngoại nhập.

Nông sản chế biến cũng phải cạnh tranh rát mặt

Về nông sản chế biến, mặc dù Việt Nam đang là một trong những nước xuất khẩu lớn về gạo, cà phê, điều, hồ tiêu... nhưng trước nay chúng ta chủ yếu là xuất khẩu sản phẩm thô. Mặt khác, hiện tại việc chuyển từ sản xuất nông sản thô lên chế biến của các doanh nghiệp Việt Nam cũng còn khá chậm chạp và khó khăn. Cắt giảm thuế sẽ tạo điều kiện cho nông sản chế biến nước ngoài tràn vào nước ta. Vì vậy sắp tới, nông sản chế biến cũng sẽ phải chịu nhiều sức ép.

HOÀNG TÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm