Ngày 19-12, cơ quan chức năng có quyết định tịch thu 500.000 USD và hơn 10 tỉ đồng của một giao dịch ngoại tệ trái phép. Đây là vụ mua bán ngoại tệ không đúng quy định đầu tiên có quyết định xử phạt và tịch thu tang vật theo Nghị định 95/2011.
Không chỉ USD mà cả ngoại tệ khác
Giao dịch này bị phát hiện vào cuối tháng 11. Lúc đó ông Vũ Quốc Đạt, Phó Giám đốc Công ty TNHH Minh Phúc (Phú Nhuận, TP.HCM), đang giao dịch đổi ngoại tệ với hai nhân viên Công ty TNHH Vàng Kim Mai (quận 1, TP.HCM) tại Phòng giao dịch Phan Xích Long - Ngân hàng Eximbank.
Sau khi có quyết định tịch thu 500.000 USD, Công ty Minh Phúc cho rằng nhân viên làm sai, tự ý giao dịch bán ngoại tệ sai quy định chứ công ty không yêu cầu nhân viên bán ngoại tệ. Do đó, công ty này đề nghị được nhận lại số ngoại tệ.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, có nhiều vụ vi phạm khác cũng bị phát hiện nhưng vẫn đang trong thời gian giải quyết, chưa có quyết định xử lý.
Nghị định 95/2011 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng ra đời và có hiệu lực từ ngày 20-10-2011. Theo nghị định này, hành vi “mua bán, thanh toán ngoại tệ không đúng quy định của pháp luật” sẽ bị phạt 50-100 triệu đồng. Hành vi này còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung là “tịch thu tang vật là số ngoại tệ, đồng Việt Nam hoặc vàng”.
Ông Minh nói: “Trong giao dịch vi phạm, ngoại tệ và tiền đồng đều bị tịch thu”. Trong trường hợp giao dịch nói trên, bên bán ngoại tệ có 500.000 USD (tương đương 10 tỉ đồng) và bên mua ngoại tệ có trên 10 tỉ đồng để mua số ngoại tệ này và cơ quan chức năng đã tịch thu cả ngoại tệ lẫn tiền đồng (tương đương trên 20 tỉ đồng).
Bán ngoại tệ phải bán đúng nơi, đúng chỗ có chức năng theo quy định. Ảnh: HTD
Cách đây hai tháng, khi Nghị định 95/2011 chưa ra đời thì hành vi mua bán, thanh toán ngoại tệ không đúng quy định chỉ bị phạt tối đa 12 triệu đồng mà không bị tịch thu tang vật (theo Nghị định 202/2004).
Cá nhân làm sai, công ty phải chịu
Với đề nghị xin nhận lại 500.000 USD của Công ty Minh Phúc vì họ cho rằng nhân viên làm sai, công ty không có chủ trương… liệu có đúng pháp luật?
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, khi phát hiện giao dịch ngoại tệ sai thì cơ quan chức năng xử lý cá nhân giao dịch và tịch thu tang vật. Còn cá nhân đó nếu có làm sai yêu cầu của công ty, gây thiệt hại cho công ty thì công ty chỉ có thể đòi cá nhân bồi thường riêng mà thôi.
Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang, cũng cho rằng có giao dịch xảy ra thì xử lý giao dịch đó. Cá nhân mua bán ngoại tệ bị xử phạt, tang vật bị tịch thu mà không cần biết cá nhân đó lấy ngoại tệ ở đâu, của ai. Việc cá nhân khác bị thiệt hại thì giải quyết riêng giữa họ với nhau bằng con đường dân sự.
Đổi ngoại tệ ở đâu?
Ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết cá nhân có ngoại tệ có thể mua bán trực tiếp với ngân hàng. Ngân hàng nào cũng có chức năng đổi cho cá nhân. “Ngoài hệ thống ngân hàng thì hiện nay tại TP.HCM có 73 đại lý có chức năng mua bán, thanh toán ngoại tệ, bao gồm một số khách sạn trên ba sao, các đại lý vé máy bay, sân bay,… Rất ít tiệm vàng có chức năng đổi ngoại tệ”. Người dân đổi ngoại tệ ở các điểm không có chức năng mua bán ngoại tệ là không đúng quy định, có thể bị xử phạt, tịch thu ngoại tệ lẫn tiền đồng.
Luật sư Trần Xoa cho rằng khi bị phát hiện mua bán ngoại tệ trái phép thì cơ quan chức năng sẽ xử phạt cả hai bên tương đương nhau, sẽ tịch thu ngoại tệ, tiền đồng. Bên bán không thể trách bên mua rằng “anh không có chức năng mua ngoại tệ, sao tôi đến bán mà anh không thông báo, anh cứ mua để tôi bị tịch thu…”.
Tuy nhiên, ông cho rằng để hỗ trợ người dân trong việc tiếp cận quy định pháp lý thì cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền. Nhiều người dân chưa biết rằng bán ngoại tệ phải bán đúng nơi, đúng chỗ có chức năng. “Cơ quan quản lý ngoại hối nên thiết kế một thông báo mẫu, yêu cầu các tiệm vàng dán, trưng tại quầy giao dịch để người dân biết rằng không được bán ngoại tệ ở tiệm vàng, nếu bán thì bị phạt tiền, bị tịch thu ngoại tệ… Khi đó hiệu quả tuyên truyền trực tiếp hơn, tốt hơn” - ông Xoa nói.
Các trường hợp bị tịch thu ngoại tệ, vàng: - Chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài và vào Việt Nam không đúng quy định của pháp luật. - Mua bán, thanh toán ngoại tệ không đúng quy định của pháp luật. - Thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng vàng với nhau không đúng quy định của pháp luật. - Kinh doanh, mua bán vàng không đúng quy định của pháp luật. (Theo Nghị định 95/2011/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng) Nên phạt theo tỉ lệ giao dịch Việc xử lý nặng, xử lý nghiêm, nâng mức phạt cao hơn trước là cần thiết. Tuy nhiên, cần xem lại mức phạt. Ví dụ, tôi đi du lịch về, dư 500 USD, đến tiệm vàng (không có chức năng) để đổi ra tiền đồng và bị phát hiện, bị phạt. Nếu áp quy định thì ngoài chuyện bị tịch thu 500 USD, tôi còn có thể bị phạt đến 100 triệu đồng trong khi giao dịch chỉ đáng 10 triệu đồng mà phạt như thế là quá nặng. Vì thế, nên quy định phạt theo tỉ lệ số ngoại tệ giao dịch trái phép, tối đa 100 triệu đồng để người dân có khả năng nộp phạt. Luật sư TRẦN XOA, Giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang |
QUỲNH NHƯ