Câu chuyện về số tiền từ việc cổ phần hóa (CPH) của hàng trăm doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đi đâu và sử dụng như thế nào đang được giới DN hết sức quan tâm. Theo TS Trần Du Lịch, Phó Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, việc thực thi CPH gần 500 DN cần có lộ trình phù hợp, tránh làm một cách ồ ạt, hơn nữa cần phải xem lại hiệu quả sử dụng số tiền CPH hiện nay.
Để tiền nằm chết
. Phóng viên: Thưa ông, việc CPH đã có từ nhiều năm trước thế nhưng số tiền này hiện đang nằm ở nơi đâu và được sử dụng như thế nào?
+ TSTrần Du Lịch: Từ năm 1993 đến nay, Nhà nước đã thoái vốn ở nhiều DNNN thông qua CPH. Dù vậy, nguồn lực lại chưa được sử dụng hiệu quả, trong đó có hàng ngàn DNNN đã bán hết 100% vốn nhà nước. Có DNNN đến giờ chỉ còn 5%-10% vốn nhà nước, dường như số cổ phần còn lại rất ít. Toàn bộ phần thoái vốn đó được đưa vào quỹ gọi là quỹ phát triển DN. Tất nhiên, Chính phủ có hướng dẫn cách sử dụng thế nào nhưng nguồn tiền này nằm tản mát ở khắp nơi. DNNN ở địa phương cổ phần thì tiền nằm ở địa phương. Các tập đoàn, tổng công ty lớn sau khi CPH từng thành viên thì đem vốn về cho tập đoàn, tổng công ty. Một số DNNN lẻ tẻ khác thì gom lại giao về cho SCIC (Bộ Tài chính). Nói một cách đơn giản, toàn bộ nguồn vốn nhà nước rút ra từ CPH hàng ngàn đơn vị bị sử dụng không hiệu quả, tản mát. Quỹ phát triển DN dùng tiền để trợ cấp, bồi thường cho người lao động khi bị cho thôi việc, phần thì để đào tạo nguồn nhân lực hay giữ lại để đầu tư ở các đơn vị đó… thậm chí là gửi tiết kiệm ngân hàng.
Theo TS Trần Du Lịch, nguồn vốn Nhà nước rút ra từ CPH hàng ngàn đơn vị bị sử dụng không hiệu quả, tản mát. Ảnh minh họa: HTD
Ngoài số tiền bán CPH đem về ấy thì phần cổ phần của Nhà nước còn lại ở các DNNN mỗi năm được chia cổ tức số tiền rất lớn. Nhiều DNNN sau khi CPH, Nhà nước chỉ giữ vốn khoảng 40%-45% nhưng trong chục năm qua cổ tức được thu về lớn gấp nhiều lần vốn nhà nước trước đây.
. Như vậy số tiền CPH cũng được Chính phủ hướng dẫn sử dụng, vậy tại sao ông lại cho rằng không hiệu quả?
+ Đây là tiền của Nhà nước, là của dân và Chính phủ quản lý trong đó có các cục, Bộ Tài chính… Và đã là của Chính phủ thì Nhà nước có thể rút vốn chỗ này đầu tư vào chỗ khác nếu thấy cần thiết. Đặt ví dụ khi CPH bán khách sạn thì số tiền đó có thể đem đầu tư vào khu công nghệ cao chứ tại sao khu công nghệ cao lại phải lấy tiền ngân sách khác. Trong khi số tiền bán khách sạn ấy có thể nằm chết như gửi tiết kiệm ngân hàng. Cũng như tôi đã phát biểu trước Quốc hội, giả sử nếu dự án bauxite cần, tôi nhấn mạnh nếu cần phải đầu tư thì tại sao không sử dụng nguồn vốn CPH mà lại phải đi vay trả lãi hàng ngàn tỉ đồng.
Cần có đạo luật để quản lý tiền CPH
. Vậy theo ông nên quản lý dòng tiền này thế nào?
+ Có hai vấn đề cần đặt ra: Thứ nhất chúng ta không có luật để quản lý nguồn tiền này. Và đáng lẽ phải làm từ năm 2010 khi luật DNNN hết hiệu lực thì cái này phải ra đời. Tài sản này là sở hữu toàn dân thì Quốc hội phải kiểm soát. Cũng giống như Quốc hội quản lý ngân sách vậy, ở các nước khác họ cũng làm như thế. Chẳng hạn như một tập đoàn viễn thông Úc, sau khi CPH bán một phần nhà nước, số còn lại do Quốc hội quyết định.
. Nghĩa là phải có một luật mới quản lý dòng tiền CPH, thưa ông?
+ Theo tôi, cần phải có một đạo luật để quản lý dòng vốn này. Đã có thời kỳ tôi ước tính, chưa nói đến đất đai thì số tiền lên tới 30-40 tỉ đôla. Từ bắt đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII tôi đã đề nghị xây dựng đạo luật nhưng sau đó Chính phủ có đề nghị đưa vào làm nghị định. Nhưng theo tôi phải là đạo luật vì nó là dòng vốn quá lớn của nhân dân cần phải được Quốc hội giám sát. Cho tới nay Chính phủ cũng đang xây dựng dự thảo và đưa vào Quốc hội khóa XIII.
. Vậy theo quan điểm của ông, đạo luật này hướng tới cái gì?
+ Trước hết, phải xác định thế nào là vốn kinh doanh nhà nước, loại đầu tư nào là nhà nước kinh doanh và loại nào phi kinh doanh. Tuy nhiên, luật này chi phối phần đầu tư kinh doanh thôi, phần còn lại thuộc đầu tư công mà đầu tư công thì có Luật Đầu tư công chi phối rồi.
Thứ hai, phải xác định ai là người được quyền đầu tư và quyết định rót tiền vào đầu tư. Thứ ba là quan hệ giữa người được Nhà nước cử làm quản lý vốn này và Nhà nước với vai trò là người đại diện chủ sở hữu.
Thứ tư, chúng ta có cần một định chế, tổ chức để quản lý toàn bộ về vốn. Không có các tổng công ty, tập đoàn nào nằm ở các bộ, bộ chỉ nên làm nhiệm vụ quản lý nhà nước. Luật này sẽ quy định rõ ai là người quyết định để đầu tư.
Tuy nhiên, buộc theo nguyên tắc chung sử dụng nguồn vốn nhà nước phải mang tính tập trung chứ không được phân tán và phải công khai, minh bạch, Quốc hội phải giám sát trực tiếp và quyết định.
. Nhưng sẽ ra sao khi dòng vốn đầu tư vào đó nằm “chết” chứ không hồi sinh, thưa ông?
+ Đúng, đó là thực trạng hiện nay, Nhà nước đầu tư vào DN nào là coi như đầu tư suốt đời. Thực ra không phải vậy, ta phải hiểu Nhà nước mở đường, đầu tư vào DN và khi DN đó đã hoạt động tốt thì Nhà nước lại thoái vốn. Vốn này sẽ đầu tư vào chỗ khác. Dòng tiền sẽ vận động theo mục tiêu của Nhà nước chứ không phải vô đầu tư ở đâu thì chết ở đó. Hay Nhà nước đầu tư vào các lĩnh vực mà tư nhân không đủ lực làm được, sau đó DN hoạt động tốt thì Nhà nước dần thoái vốn. Chứ không thể nói và để tình trạng cái nào ngon thì Nhà nước làm và dở thì để tư nhân làm.
. Xin cảm ơn ông.
YÊN TRANG
Tái cơ cấu, CPH DNNN là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Chính phủ cũng như của nền kinh tế trong hai năm 2014-2015. Và trong hai năm này, Nhà nước sẽ CPH 531 DN mà Thủ tướng đã phê duyệt. Dù vậy, tính đến thời điểm này mới có khoảng 99 DN được CPH. |