Tiền nhàn rỗi bỏ vào đâu?

Tiền nhàn rỗi bỏ vào đâu? ảnh 1

Bất động sản sẽ không còn nhiều cơ hội? Ảnh: Đ.V

Câu chuyện thứ nhất: Cuộc tranh cãi giữa địa ốc và chứng khoán

Sáng 26/2 tại quán cà phê Sỏi Đá trên đường Ngô Thời Nhiệm, quận 3, hai thanh niên Trung và Lưu cãi nhau quyết liệt về việc đầu tư vào kênh nào sẽ hiệu quả. Trung nói rằng nếu có tiền trong tay, anh sẽ vẫn tiếp tục mua đất. Còn Lưu nói rằng anh sẽ mua chứng khoán.

“Đất vẫn là kênh đầu tư tốt nhất. Nếu thị trường có gì thì đó vẫn là tài sản của mình. Nếu giá xuống càng dễ có cơ hội sinh lời cao. Còn chứng khoán bấp bênh khó đoán, chưa biết còn suy sụp tới đâu” - Trung nói.

“Làm gì có chuyện đó! - Lưu cãi lại - Giá chứng khoán đã đến hồi quá rẻ, đừng chờ đáy, mà mua vào đã có lợi rồi. Còn BĐS đầy rủi ro. Sắp tới đây ngân hàng đã siết cho vay, BĐS chỉ có lỗ”.

Cứ thế hai bạn trẻ cãi qua cãi lại và nhờ Nam, một bạn cùng bàn, phân giải. Nam giơ hai tay ra dấu đầu hàng: “Tốt nhất hai ông đem mua vàng hoặc gửi ngân hàng cho bớt rủi ro”.

Câu chuyện thứ hai: Chuyên gia cũng đầu hàng!

Ông Vinh, một chuyên gia lĩnh vực kinh tế - tài chính hẳn hoi, kể rằng sáng nay vợ ông quyết định mang 500 triệu đồng đi mua chứng khoán. Mặc dù ông đã bảo rằng hãy chờ xem động thái vài hôm nữa xem sao, nhưng bà đã quá sốt ruột và quyết định không nghe lời ông nữa.

Khi ra đến công ty chứng khoán, bà không biết nên mua mã nào, bèn gọi điện thoại về hỏi ông. Vị chuyên gia này bảo: “Cứ mua đại, mã nào cũng được”.

Tiền nhàn rỗi bỏ vào đâu? ảnh 2

Theo các chuyên gia kinh tế, chứng khoán vẫn là kênh đầu tư tốt nhất. Ảnh: Đặng Vỹ

“Của đáng tội, bà xã của tôi hoàn toàn không biết gì về chứng khoán cả. Kể cả đọc mã chứng khoán, bà cũng không biết” - ông Vinh thú nhận. Thông thường bà nhờ người em chồng mua chứng khoán, nhưng lần này quyết định tự mình mua.

Không biết mua gì

Ông Nguyễn Dũng, trú tại phường Tân Sơn Nhì quận Tân Phú, sau Tết đã chuẩn bị 500 triệu đồng để theo những tay buôn bán địa ốc đi mua đất. Thế nhưng đến giờ này ông vẫn chưa giải ngân được đồng nào.

“Cái gì cũng thay đổi như chong chóng, không biết đường nào mà lần” - ông Dũng nói.

Tình trạng ôm tiền ngồi nhìn như ông Dũng hiện tại đang khá phổ biến. Trung, nhân viên một cơ quan kinh doanh tài chính, cho biết người quen của anh đang có 1 tỷ đồng nhưng không biết làm gì, đang nhờ người biết kinh doanh sử dụng, tiền lời có thể chia sẻ.

Người bạn của Trung trước đây đã từng mua đi bán lại vài lô đất, nhưng giờ không dám tham gia vào đất đai nữa.

Trước đây trong điều kiện bình thường tức không có gì biến động, mọi kênh đều thu hút được tiền nhàn rỗi. Người ta có thể đầu tư vào BĐS, mua vàng, mua chứng khoán, hoặc gửi ngân hàng mà không hề cân nhắc, bận tâm, nhưng nay khi cầm tiền đi đầu tư, ai cũng mang tâm trạng đắn đo.

“Vàng thì giá đã quá cao không còn hy vọng tăng nữa. BĐS lại có thể trên đà đi xuống rồi đóng băng. Chứng khoán thì đến giờ chưa dấu hiệu gì sáng sủa. Còn ngân hàng hết tiền đồng, liệu đến khi hết kỳ hạn gửi có trả được tiền cho mình không?” - Trung là người làm trong cơ quan kinh doanh tiền tệ mà cũng phải băn khoăn.

Đã bắt đầu nhìn thấy cơ hội?

Tiến sĩ Lê Vũ Nam, chủ nhiệm ngành Luật Tài chính - Ngân hàng - Chứng khoán Khoa Kinh tế Trường Đại học Quốc gia TP.HCM, cho rằng bỏ tiền vào đâu thời điểm này đúng là một lựa chọn khá khó khăn.

“Đầu tư vào đâu, ngoài việc phân tích đặc điểm của từng lĩnh vực, còn phụ thuộc vào bản lĩnh của từng người và mặt hàng cụ thể khi mua. Có người mua chứng khoán lỗ, có người mua chứng khoán vẫn lãi” - Tiến sĩ Nam nói.

Tiến sĩ Nam nhận định: BĐS còn phải chờ một khoảng thời gian nữa để đi vào ổn định, lúc này sẽ chưa tiên liệu được kết quả. Vàng thì giá đã cao, giờ khó còn có cơ hội cho người mới vào.

Lãi suất huy động của ngân hàng hiện nay khá cao nhưng sau khi ngân hàng đã huy động đủ số tiền để làm nghĩa vụ với Nhà nước, chắc chắn sẽ điều chỉnh giảm xuống. Chỉ duy có chứng khoán hiện nay giá đã giảm xuống rất thấp, có thể đây sẽ là kênh đầu tư có nhiều ưu điểm.

Theo Tiến sĩ Nam, giá chứng khoán đã giảm đến 40-50%, và theo nghiên cứu của các chuyên gia nước ngoài, khi thị trường giảm đến 40% là đã về với giá trị hoặc dưới giá trị. Vậy nên có thể mua vào vì đã có lãi.

“Nếu thị trường có giảm một vài phiên nữa cũng không đáng ngại vì đó chỉ là quán tính tâm lý” - ông nói.

Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP.HCM, cũng cho rằng nếu ông có đất thì giai đoạn này sẽ bán ra, và đầu tư vào chứng khoán. Theo tiến sĩ này, thời điểm hiện nay không phải quá cân nhắc về việc mua chứng khoán vào nữa.

“Nếu không có bất cứ kiến thức gì thì có thể gửi ngân hàng, với lãi suất cao như hiện nay có thể kéo dài trong 3 tháng. Nhưng tốt nhất vẫn là kênh chứng khoán. Nếu biết cơ cấu lại danh mục đầu tư, lợi nhuận vẫn có thể đạt tới 20-30%”.

Cũng như Tiến sĩ Lê Vũ Nam, Tiến sĩ Lê Thẩm Dương cho rằng giai đoạn này đã bắt đầu xuất hiện cơ hội kinh doanh.

“Lúc này là cơ hội cho người có tiền, có tri thức, chấp nhận rủi ro và biết nắm bắt thời cơ” - Tiến sĩ Dương khẳng định.

Theo Đặng Vỹ ( VNN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm