Chia sẻ với báo Pháp Luật TP.HCM, luật sư Phan Trung Hoài cho biết thêm: Hiện tôi mới chỉ tiếp cận hồ sơ của khách hàng và chưa có bất cứ thảo luận nào. Ngay cả trong cuộc gặp mặt với Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) để đàm phán thương lượng số tiền tạm ứng, tôi cũng không có mặt.
"Bên cạnh đó, thân chủ của tôi hiện vẫn chưa đưa ra bất cứ ý kiến nào về việc có hay không nhận tiền tạm ứng, tất cả sẽ được xem xét cụ thể và rõ ràng sau khi phía Ngân hàng Eximbank gửi cho chúng tôi bản thảo về vấn đề này” - ông Hoài nói.
Theo tìm hiểu, vào sáng 27-2, Eximbank và bà Bình đã có buổi làm việc với nhau để tìm phương án giải quyết. Cụ thể, ban đầu khi nghe phương án Eximbank sẽ tạm chi trả 14,8 tỉ đồng cho phần chứng từ bị làm giả chữ ký, bà Bình không đồng ý vì 245 tỉ đồng dù là chữ ký thật hay giả thì bà vẫn là khách hàng và làm việc với ông Lê Nguyễn Hưng - nguyên Phó Giám đốc Ngân hàng Eximbank Chi nhánh TP.HCM chứ không phải làm việc với người lạ.
“Vậy tại sao mà tôi bị mất đến 245 tỉ đồng trong sổ tiết kiệm mà ngân hàng lại đi tạm ứng cho tôi có hơn 14 tỉ đồng?" - bà thắc mắc.
Tuy nhiên, cuối ngày, bà Bình đã cân nhắc lại việc nhận số tiền tạm ứng này nhưng cho biết phải xem trước bản thảo của biên bản thỏa thuận mới quyết định đồng ý hay không.
Trong khi đó, đại diện của Eximbank thông tin đây là phương án được ngân hàng đưa ra để giảm bớt căng thẳng trong thời gian chờ quyết định của tòa. Quan điểm của ngân hàng là dù muốn hay không cũng phải chờ tòa phân định rõ ràng mới có cơ sở giải quyết tiếp theo.
"Việc bà Bình có nhận khoản tạm ứng hay không vẫn chưa chính thức vì từ thỏa thuận miệng đến khi ký kết vào biên bản là cả một quá trình, nên vụ việc cũng mới dừng lại ở mức độ cân nhắc" - đại diện Eximbank cho hay.
Như tin đã đưa, từ năm 2013, bà Chu Thị Bình đã gửi tiết kiệm tại Eximbank Chi nhánh TP.HCM. Do số tiền gửi tại ngân hàng này rất lớn nên khách hàng này được chăm sóc theo chế độ khách hàng VIP.
Toàn bộ giao dịch với bà Bình từ trước đến đầu tháng 2-2017 đều do ông Lê Nguyễn Hưng - Phó Giám đốc Eximbank TP.HCM trực tiếp thực hiện, theo dõi, liên hệ khách hàng cũng như phê duyệt trên chứng từ giấy và trên hệ thống corebanking của Eximbank.
Lợi dụng sự tin tưởng của bà Bình, ông Hưng nhiều lần cùng nhân viên ngân hàng đến nhà riêng của bà để trình bày những khoản đã tất toán dựa theo kỳ hạn gửi. Song trên thực tế ông Hưng đã chỉ đạo nhân viên lập chứng từ giả để rút tiền từ tài khoản chưa đến hạn tất toán của bà rồi gửi vào tài khoản đã đến hạn tất toán.
Bằng thủ đoạn này, ông Hưng chiếm đoạt số tiền rất lớn của bà Bình gửi ngân hàng trong một thời gian dài.
Bà LTH đang nắm giữ gần 500.000 cổ phần của Eximbank và vẫn đang gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng này, đồng thời cũng là một trong những khách hàng VIP của Eximbank, cho biết: Bản thân tôi cũng được ngân hàng chăm sóc như một khách hàng VIP. Nhưng những khi thay đổi sổ hay chuyển kỳ hạn này sang kỳ hạn khác tôi luôn đến trực tiếp ngân hàng để chờ lấy sổ luôn, vì giao phó hoàn toàn cho nhân viên ngân hàng làm xong rồi mang đến tận nhà mình sẽ không thể biết đó là sổ thật hay sổ giả. "Bởi nếu tin tưởng nhau hoàn toàn thì chắc ngành ngân hàng đã không có những vụ siêu lừa đảo Huyền Như hay Lê Nguyễn Hưng…" - vị khách hàng này chia sẻ. |