Mới đây, TAND TP Đà Nẵng đã đưa vụ án buôn lậu gỗ trắc ra xét xử sơ thẩm. Tuy nhiên, sau đó tòa tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung để làm rõ nhiều vấn đề, trong đó có việc làm rõ tính hợp pháp của việc bán lô gỗ vật chứng của vụ án. Đây là lần thứ hai tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án này.
Quy kết làm giả hồ sơ để buôn lậu
Trong vụ án này, VKSND Tối cao truy tố hai vợ chồng bà Trần Thị Dung - ông Trương Huy Liệu (giám đốc và phó giám đốc Công ty TNHH MTV Ngọc Hưng, gọi tắt là Công ty Ngọc Hưng) về tội buôn lậu. Các bị cáo Đỗ Lý Nhi, Lê Xuân Thành (nguyên cán bộ Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị) và Đỗ Danh Thắng (nguyên cán bộ Cục Hải quan TP Đà Nẵng) về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo hồ sơ, ngày 17-12-2011, Công ty Ngọc Hưng nhận lô gỗ (gồm 13 xe) chở từ Lào về qua cửa khẩu Lao Bảo, Quảng Trị. Sau khi làm thủ tục khai báo hải quan và đóng thuế, Công ty Ngọc Hưng tiếp tục vận chuyển lô gỗ này về cảng Cửa Việt làm thủ tục tái xuất sang Hong Kong.
Hai ngày sau, Công ty Ngọc Hưng xếp lô gỗ này vào 22 container đưa vào cảng Đà Nẵng để xếp xuống tàu chờ thủ tục xuất cảng. Tại đây, toàn bộ lô gỗ bị Cục Điều tra chống buôn lậu (thuộc Tổng cục Hải quan) bắt giữ. Bản thân ông Liệu bị khởi tố và bị cơ quan CSĐT bắt tạm giam về tội buôn lậu.
Cáo trạng cho rằng “ông Trương Huy Liệu chỉ đạo nhân viên Công ty Ngọc Hưng làm giả hồ sơ, tài liệu, sau đó sử dụng bộ hồ sơ này để nhập khẩu, xuất khẩu hơn 614 m3 gỗ không rõ nguồn gốc, xuất xứ theo quy định của pháp luật, trị giá hơn 63,6 tỉ đồng”. VKSND Tối cao cũng cáo buộc bà Dung “có hành vi góp sức cho Trương Huy Liệu” nên khởi tố bà cùng tội danh trên.
Theo VKS, hai bị cáo Đỗ Lý Nhi, Lê Xuân Thành được giao nhiệm vụ kiểm hóa lô hàng xuất khẩu nhưng “đã không làm đầy đủ trách nhiệm được giao”; ông Đỗ Danh Thắng thì “không làm hết trách nhiệm”.
Các bị cáo trong vụ án buôn lậu tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: PHONG NHA
Bị cáo Trương Huy Liệu: “Tôi bị truy tố oan! Không có gỗ lậu thì làm sao có hành vi buôn lậu!”. Ảnh: PHONG NHA
Cấp trên và cấp dưới tranh luận nảy lửa
Tại phiên tòa, các bị cáo bác bỏ toàn bộ cáo trạng và cho rằng mình không có tội. Tòa đã cho các bị cáo, người đại diện các cơ quan liên quan trả lời rõ những quan điểm của mình trong vụ án.
Ông Phạm Văn Minh, Đội phó Đội chống buôn lậu miền Trung (đại diện cho Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan), cho rằng các bị cáo đã phạm tội như cáo trạng đã công bố.
Đáp lại, đại diện lãnh đạo các cơ quan như Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, Chi cục Hải quan Cửa Việt, Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị đều cho rằng Công ty Ngọc Hưng và bản thân ông Liệu đã làm đúng pháp luật.
Ông Lưu Viết Hưng, đại diện Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị, nói: “Công ty Ngọc Hưng đã làm tờ khai hải quan đúng với số lượng gỗ đã nhập về và đã làm thủ tục nộp thuế hơn 3,2 tỉ đồng. Toàn bộ hồ sơ, hàng hóa đều hợp pháp”. Ông Trương Quảng Long, đại diện Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, cũng khẳng định: “Lô gỗ nhập từ Lào về của Công ty Ngọc Hưng được kê khai đóng thuế đúng theo các quy định của pháp luật. Đây là hàng hóa không cấm nhập khẩu, xuất khẩu nên không thể xem là lậu được”.
Bị cáo Trương Huy Liệu nói: “Không có gỗ lậu thì làm sao có hành vi buôn lậu. Như vậy thì oan cho tôi quá!”.
Lô gỗ vật chứng đã bị bán
Trong vụ án này, việc xác định khối lượng gỗ của Công ty Ngọc Hưng cũng rất khó khăn. Công ty Ngọc Hưng lập tờ khai hải quan nhập cũng như xuất là 535 m3 (làm tròn số) gỗ trắc. Cáo trạng thì cho rằng lô gỗ có khối lượng 614 m3 (làm tròn số), trong đó có 23 m3 (làm tròn số) gỗ giáng hương.
Trước đó, CQĐT đã yêu cầu Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật giám định khối lượng lô gỗ. Tranh luận về việc này, bị cáo Liệu cho rằng: “Theo quy định của Bộ Tư pháp thì viện này không có tư cách pháp nhân về giám định tư pháp. Mặt khác, phương pháp giám định của viện này cân gỗ lên để quy ra khối lượng là không tuân thủ các văn bản quy phạm pháp luật tại thời điểm đó. Do vậy, việc kiểm định này là không có căn cứ”.
Đáng chú ý là dù vụ án đang trong giai đoạn điều tra nhưng ngày 10-1-2014, CQĐT (C44 - Bộ Công an) lại quyết định bán lô gỗ vật chứng. Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản của Sở Tư pháp TP Hà Nội đã bán được gần 64 tỉ đồng, sau khi trừ các khoản chi phí thì còn 60,8 tỉ đồng.
Nói về việc số gỗ tang vật bị bán, ông Liệu cho rằng: “Tại thời điểm đó, theo giá thị trường thì lô gỗ trắc này phải bán được hơn 300 tỉ đồng”.
Do lô gỗ đã bị bán đi nên việc xác định khối lượng, dấu búa kiểm soát của nước sở tại… sẽ khó mà thực hiện được.
* * *
Với diễn biến phiên tòa như trên, sau một ngày xét xử, chiều 6-5, HĐXX TAND TP Đà Nẵng đã quyết định hoãn xử, trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhiều vấn đề chưa được làm rõ của vụ án. Cụ thể, tòa yêu cầu giám định lại lô gỗ để xác định chính xác khối lượng; giám định rõ dấu búa của cơ quan kiểm lâm sở tại; làm rõ tính hợp pháp của việc bán lô gỗ vật chứng vụ án; có hay không việc ép cung nhân chứng Trần Đình Quang (một người liên quan đến vụ án) làm người này phải tự tử…
Không nên hình sự hóa làm doanh nghiệp phá sản Tổng cục Hải quan cần có cái nhìn khách quan hơn để xử lý vụ án này. Trước đó, cơ quan hải quan đã nghiêng về nhận định lô gỗ được khai thác ở Việt Nam nhưng không thể chứng minh được, từ đó lại quay sang hướng điều tra doanh nghiệp làm giả hồ sơ để buộc tội. Như vậy là không có tính khách quan. Không nên hình sự hóa một việc hành chính để đẩy doanh nghiệp vào thế phá sản. Ông LÊ VĂN TỚI, |