Ngày 9-6, TAND tỉnh Đắk Lắk đã tuyên y án sơ thẩm, phạt bị cáo Lê Viết Hùng (nguyên công an viên xã Phú Xuân, huyện Krông Năng, Đắk Lắk) ba năm tù về tội làm chết người trong khi thi hành công vụ. Tòa buộc bị cáo bồi thường cho gia đình bị hại gần 100 triệu đồng, buộc UBND xã Phú Xuân phải cấp dưỡng cho hai con của nạn nhân mỗi tháng hơn 1 triệu đồng cho đến khi các cháu đủ 18 tuổi.
Vụ án này báo Pháp Luật TP.HCM từng có nhiều bài phân tích, cho rằng hành vi của bị cáo có dấu hiệu của tội giết người hoặc cố ý gây thương tích dẫn đến chết người.
Xử theo tội danh viện truy tố
Như Pháp Luật TP.HCM từng thông tin, hơn 12 giờ đêm 3-7-2014, anh Trương Quốc Long nghe có tiếng động, nghi ngờ ông Nguyễn Hữu Thâu vào nhà lấy trộm sắt nên anh Long đuổi theo và bắt được ông Thâu rồi báo cho trưởng thôn. Trưởng thôn gọi cho Lê Viết Hùng, công an viên xã Phú Xuân, huyện Krông Năng, Đắk Lắk. Hùng kéo thêm ba người nữa thuộc tổ liên gia tự quản của thôn Xuân Hòa dẫn ông Thâu cùng phương tiện về hội trường thôn để làm việc.
Hùng báo cáo cho trưởng công an xã và nhận được chỉ đạo là lập biên bản sự việc, ghi lời khai người biết việc, lời khai của ông Thâu, tạm giữ phương tiện rồi cho ông Thâu về. Tuy nhiên, Hùng đã neo giữ ông Thâu lấy lời khai và đánh đập, đến sáng thì ông Thâu hôn mê sâu và tử vong.
Theo kết luận giám định pháp y, nguyên nhân tử vong là do chấn thương sọ não, vật tác động thuộc loại cứng, tày, diện rộng, nồng độ rượu trong máu nạn nhân là 4,30 mmol/lít.
Ban đầu, Công an tỉnh Đắk Lắk khởi tố Hùng về tội giết người, sau đó chuyển sang tội làm chết người trong khi thi hành công vụ và chuyển vụ án về cơ quan tố tụng huyện Krông Năng điều tra theo thẩm quyền.
Khi hồ sơ vụ án đến tòa, TAND huyện này nhận định bị can có dấu hiệu phạm tội cố ý gây thương tích (dẫn đến chết người) nên trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhưng VKS huyện vẫn bảo lưu quan điểm. Do giới hạn xét xử, TAND huyện Krông Năng sau đó vẫn xử Hùng tội làm chết người trong khi thi hành công vụ và phạt bị cáo ba năm tù. Ngoài ra tòa này còn buộc UBND xã Phú Xuân phải bồi thường cho gia đình bị hại gần 100 triệu đồng và phải cấp dưỡng cho hai con ông Thâu mỗi tháng 1 triệu đồng cho đến khi đủ 18 tuổi.
Gia đình bị hại kháng cáo vì cho rằng bị cáo phạm tội giết người và tội bắt giữ người trái pháp luật.
Tại tòa, bị cáo Lê Viết Hùng đã xin lỗi gia đình bị hại. Ảnh: N.NGA
Tạt nước, đánh vào đầu nạn nhân
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Hùng cho rằng do ông Thâu viết lời khai không rõ ràng nên bị cáo mới yêu cầu viết lại. Tới lần viết thứ hai ông Thâu lại ngủ, trong lúc làm việc bị cáo có đánh mấy bạt tai do bị cáo quá nôn nóng. Hùng khẳng định có thấy anh Trương Quốc Long đánh ông Thâu bằng tay một cái.
Chủ tọa hỏi: “Tại sao công an xã gần đó mà bị cáo không dẫn bị hại tới, lại đưa về hội trường thôn? Ông Thâu vẫn chấp hành, khi bị đánh ông vẫn cam chịu. Rõ ràng bị cáo làm việc một cách tùy tiện!”. Hùng đáp: “Bị cáo không nghĩ là gây thương tích cho ông Thâu như vậy”.
Chủ tọa: “Nhưng pháp luật buộc bị cáo phải hiểu. Bị cáo tát 14-15 cái, đánh người ta suy nhược cơ thể khiến họ không ngồi được”. Hùng thừa nhận: “Bị cáo đánh vậy là sai rồi”.
Nhân chứng là chị Trâm (cháu bị hại) khai đêm đó chị có đến nơi để xin đưa ông Thâu về. “Khi tôi đến, thấy bị cáo Hùng đang đứng lấy lời khai, thấy chú Thâu chảy máu miệng. Tôi xin cho chú về nhưng bị cáo Hùng quát không cho”.
Hùng lý giải việc sở dĩ có vết nước loang ở dưới sàn nhà nơi ông Thâu nằm: “Nước đó không phải do bị cáo tạt vào người bị hại, mà là do một người đi mua nước cho ông Thâu uống nhưng ông Thâu không uống mà phun ra”.
Khi tranh luận, luật sư Phạm Văn Nghị (bảo vệ cho gia đình bị hại) dẫn lời khai của nhân chứng Hồ Minh Tuấn là người chứng kiến sự việc từ đầu đến cuối. Theo đó, nhân chứng này khai thấy Hùng tạt nước, đánh vào mặt, vào đầu bị hại. Khi thấy bị hại chảy máu ở miệng, bị cáo vẫn tiếp tục đánh.
Tuyên y án và đề nghị giám đốc thẩm vụ án
Khi luận tội, đại diện VKSND tỉnh Đắk Lắk cho rằng lời khai của bị cáo phù hợp với chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. Hành vi sử dụng vũ lực của bị cáo hoàn toàn không liên quan tới công vụ, bởi mỗi lần bị hại viết bản tự khai là bị cáo tát, hành vi rất hống hách. Hành vi này có dấu hiệu phạm tội cố ý gây thương tích theo khoản 3 Điều 104 BLHS. Tuy nhiên, VKS đề nghị tòa áp dụng Điều 196 BLTTHS (quy định giới hạn của việc xét xử) tuyên y án sơ thẩm, kiến nghị TAND Cấp cao tại Đà Nẵng kháng nghị giám đốc thẩm vụ án.
Đồng tình, TAND tỉnh Đắk Lắk nhận định với những chứng cứ có trong hồ sơ thì hành vi của bị cáo Lê Viết Hùng có dấu hiệu phạm tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người, theo khoản 3 Điều 104 BLHS (có khung hình phạt 5-15 năm tù).
Theo tòa, ông Thâu mới bị tình nghi là trộm sắt và đang trong tình trạng say rượu, không hề có ý định bỏ trốn, ngay cả khi bị đánh ông Thâu cũng không hề chống đối gì. Động cơ đánh người của bị cáo Hùng không vì lợi ích xã hội, thay vì cho ông Thâu ghi lời khai thì bị cáo lại tùy tiện đánh người. Đây không thể được coi là làm chết người trong khi thi hành công vụ được.
Tuy nhiên, do giới hạn của việc xét xử nên HĐXX đã chấp nhận đề nghị của VKS, tuyên y án sơ thẩm ba năm tù. Đồng thời, tòa kiến nghị TAND Cấp cao tại Đà Nẵng giám đốc thẩm vụ án này.
Tai họa giáng xuống một gia đình Ôm di ảnh chồng trong tay, bà Võ Thị Kim Quê, vợ ông Nguyễn Hữu Thâu, rớm nước mắt khi kể về cảnh mẹ góa con côi của mình. Bà có bốn người con và một mẹ già mắc bệnh tâm thần, vài ba hôm người mẹ này lại bỏ nhà đi lang thang. Nhà bà trồng một ít cà phê nên thu nhập rất bấp bênh. Vì cha mất, đứa con thứ ba sau khi học hết lớp 9 phải bỏ học vào TP.HCM phụ bán bánh mì để mưu sinh. “Lúc chồng tôi còn sống, mỗi sáng ông ấy phụ tôi đi chợ kiếm đồng ra đồng vào nuôi con ăn học. Nay hai đứa con đầu phải thay cha giúp tôi làm rẫy. Giờ tôi chỉ đủ khả năng nuôi đứa con út 16 tuổi đi học thôi” - bà Quê nói. |