LTS: Trên hai số báo vừa qua, chúng tôi đã đăng tải ý kiến của nhiều chuyên gia pháp luật về việc định tội danh đối với việc công an xã đánh chết người. Chúng tôi xin tạm khép lại diễn đàn này bằng bài viết dưới đây của ông Đinh Văn Quế, nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao.
Vụ công an xã đánh chết người ở Đắk Lắk một lần nữa làm dấy lên tranh cãi về tội danh.
Áp dụng không thống nhất
Thời gian qua, có nhiều vụ án công an đánh chết người bị bắt nhưng mỗi nơi xử một kiểu, ngay cùng một tòa án cũng xử không thống nhất.
Ví như vụ bảy công an huyện Thạch Thất, Hà Nội đánh chết ông Nguyễn Mạnh Sơn chỉ bị xét xử về tội cố ý gây thương tích. Trong khi đó, vụ bốn công an xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội đánh chết ông Nguyễn Mậu Thuận lại bị xét xử về tội giết người với mức án cao nhất 17 năm tù. Vụ án này, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội (nay là TAND Cấp cao tại Hà Nội) đã y án cả về tội danh và hình phạt.
Thế nhưng trong vụ nghi can Ngô Thanh Kiều ở Phú Yên bị đánh chết, năm bị cáo công an chỉ bị xét xử về tội dùng nhục hình. Và trong vụ án công an xã đánh chết ông Nguyễn Hữu Thâu ở huyện Krông Năng, Đắk Lắk, bị cáo công an lại bị xét xử về tội làm chết người trong khi thi hành công vụ.
Nếu phải chọn án lệ thì TAND Tối cao sẽ chọn vụ án nào, tội danh nào đây?
Như vậy, rõ ràng ở ta đang có vấn đề về nhận thức và việc áp dụng pháp luật không thống nhất.
Trong khi đó, theo hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao tại Nghị quyết số 04 ngày 29-11-1986 thì hành vi dùng nhục hình mà dẫn đến chết người thì phải xử về tội giết người. Nghị quyết này hiện vẫn còn hiệu lực.
Tội giết người mới chính xác
Trở lại vụ án ở Đắk Lắk, Pháp Luật TP.HCM cho biết hồ sơ vụ án thể hiện ở đây mới chỉ nghi ngờ ông Nguyễn Hữu Thâu vào nhà chứ chưa phải đã bắt được quả tang ông Thâu trộm sắt, trưởng thôn lại gọi cho Lê Viết Hùng, công an viên xã Phú Xuân, huyện Krông Năng. Hùng kéo thêm ba người nữa thuộc tổ liên gia tự quản của thôn Xuân Hòa dẫn ông Thâu cùng phương tiện về hội trường thôn để làm việc.
Việc bắt người như thế này là không đúng vì không phải là trường hợp phạm tội quả tang. Hơn nữa, sau khi bắt ông Thâu, trưởng công an xã đã chỉ đạo là lập biên bản sự việc, ghi lời khai người biết việc, lời khai của ông Thâu, tạm giữ phương tiện rồi cho ông Thâu về. Nhưng vì ông Thâu không nhận tội nên Hùng đã bắt viết nhiều lần và tát nhiều cái vào mặt ông Thâu; khi nạn nhân kêu đau đầu rồi gục xuống bàn ngủ, Hùng tiếp tục túm tóc và tát vào mặt ông Thâu.
Một lúc sau, khi ông Thâu đang ngồi trên ghế thì tự ngã đập đầu xuống nền nhà. Đến lần thứ ba, nghĩ ông Thâu say rượu nên Hùng và mọi người đã để ông Thâu nằm luôn dưới nền nhà. Đến sáng thì ông Thâu hôn mê sâu, bất tỉnh và tử vong.
Theo kết luận giám định pháp y, nguyên nhân tử vong là do chấn thương sọ não, vật tác động thuộc loại cứng, tày, diện rộng, nồng độ rượu trong máu nạn nhân là 4,30 mmol/lít.
Hành vi của Hùng rõ ràng là hành vi dùng nhục hình dẫn đến nạn nhân bị chết. Nếu lấy vụ án ở Phú Yên làm án lệ thì Hùng phải bị xử về tội dùng nhục hình. Còn nếu lấy vụ án ở xã Kim Nỗ (huyện Đông Anh, Hà Nội) làm án lệ thì Hùng phải bị xử về tội giết người. Chưa có trường hợp nào xử về tội làm chết người trong khi thi hành công vụ như ở huyện Krông Năng, Đắk Lắk cả.
Theo tôi, với hành vi như trên, việc khởi tố Hùng về tội giết người là chính xác. Vì hành vi của Hùng không được coi là hành vi thi hành công vụ nữa. Bởi tuy Hùng là công an xã và thực hiện nhiệm vụ được giao nhưng trong khi thực hiện nhiệm vụ, Hùng đã dùng nhục hình đối với nạn nhân dẫn đến nạn nhân chết thì Hùng không được hưởng tình tiết “trong khi thi hành công vụ” mà Hội đồng Thẩm phán TAND đã hướng dẫn như đã nói.
Không phải tội cố ý gây thương tích
Việc Tòa án huyện Krông Năng trả hồ sơ yêu cầu làm rõ một số thương tích là cần thiết nếu như còn nghi ngờ kết luận giám định. Nhưng tòa án huyện lại cho rằng bị cáo Hùng chỉ phạm tội cố ý gây thương tích thì chưa chính xác.
Chính VKS cũng cho rằng ngoại lực tác động vào vùng đỉnh chẩm đầu là do tay của bị can Hùng tác động vào, hậu quả làm cho vùng đỉnh chẩm đầu bị tụ máu, phù hợp với kết luận pháp y bổ sung: “Tổn thương trên được gây ra bởi vật tác động thuộc loại cứng, tày, diện rộng”. Tuy nhiên, VKS lại cho rằng Hùng là công an viên xã, Hùng đã báo cáo ngay với trưởng công an xã để xin ý kiến chỉ đạo. Việc yêu cầu ông Thâu viết bản tự khai là do Hùng thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên, do đó Hùng đang thi hành công vụ. Từ đó, viện giữ nguyên quan điểm truy tố.
Đúng là việc Hùng yêu cầu ông Thâu viết bản tự khai là việc thi hành công vụ nhưng hành vi đánh ông Thâu (dùng nhục hình) thì không có pháp luật nào cho phép cả. Lập luận như vậy thì nếu cứ bắt người tình nghi, báo với cấp trên rồi muốn đánh, muốn đập hay hành hạ người bị bắt cũng coi là “trong khi thi hành công vụ” hay sao!? Chẳng lẽ khi người bị bắt cho rằng mình bị oan, không viết bản tự khai thì công an có quyền đánh đập hay dùng nhục hình sao!?
* * *
Nhân vụ án này, thiết nghĩ các cơ quan tố tụng ở trung ương nên tổng kết, hướng dẫn chính thức nếu thấy Nghị quyết số 04 ngày 29-11-1986 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao không còn giá trị.
Làm điều pháp luật cấm sao gọi là công vụ?! Trước hết, muốn xác định phạm tội (dù đó là tội gì) trong khi thi hành công vụ thì trước hết phải xác định người phạm tội có phải là người thi hành công vụ hay không đã. Nếu họ là người thi hành công vụ thì trong trường hợp cụ thể cũng phải xác định xem hành vi phạm tội của họ có được coi là thi hành công vụ hay không. Không phải bất cứ trường hợp nào cũng được coi là phạm tội trong khi thi hành công vụ. Khi không được coi là thi hành công vụ thì mọi hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác cũng không được coi là trong khi thi hành công vụ. Chủ thể của tội làm chết người trong khi thi hành công vụ phải là người đang thi hành một công vụ hợp pháp. Còn nếu thi hành một công vụ không hợp pháp hoặc lợi dụng việc thi hành công vụ mà đánh chết người thì phải bị xử về tội giết người với tình tiết thực hiện tội phạm một cách man rợ và bằng cách lợi dụng nghề nghiệp. Làm điều pháp luật cấm sao gọi là công vụ! |