Đăng ký tài sản sẽ góp phần chống tham nhũng

Trả lời câu hỏi trên, các chuyên gia, nhà quản lý đều thống nhất Việt Nam phải xây dựng một luật riêng về đăng ký tài sản vì nó góp phần bảo vệ quyền sở hữu tài sản của cá nhân, tổ chức; thúc đẩy việc khai thác tài sản, tạo thị trường giao dịch tài sản lành mạnh, tiếp thêm nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội (KTXH); đẩy mạnh việc công khai minh bạch về tài sản, thu nhập để chống tham nhũng, rửa tiền, trốn thuế...

Theo bà Nguyễn Chi Lan (Phó cục trưởng Cục đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp), các giai đoạn của mua bán, chuyển nhượng, đăng ký, công bố quyền đối với tải sản của Việt Nam hiện nay được điều chỉnh trong khoảng 64 văn bản quy phạm pháp luật gồm: Hiến pháp, 26 luật bộ luật, 18 nghị định, 19 thông tư, một quyết định của Bộ trưởng. “Với thực trạng quy định về đăng ký tài sản nằm rải rác, không khớp nối này khiến cho công tác quản lý nhà nước đối với các tài sản gặp khó khăn. Đặc biệt là khó khăn trong việc thu thuế chuyển nhượng tài sản, trong việc công khai minh bạch tài sản đối với hoạt động chống tham nhũng và người dân chưa thực sự có được sự an toàn pháp lý trong các giao dịch về tài sản” - bà Lan nói.

Ông Nguyễn Hưng Quang, Văn phòng Luật sư NHQuang & Cộng sự

Ông Nguyễn Hưng Quang (Văn phòng Luật sư NHQuang & Cộng sự) dẫn chứng, hiện Việt Nam chưa có thứ hạng cao về phòng chống tham nhũng (đứng thứ hạng 113/170). Luật Phòng chống tham nhũng yêu cầu những người có chức vụ và quyền hạn phải có trách nhiệm kê khai tài sản, tỷ lệ kê khai tài sản, thu nhập đúng hạn cũng đạt 99,5%, công khai đạt tỷ lệ 98,35. Tuy nhiên qua 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng mới xác minh được 4.895 trường hợp, phát hiện, xử lý kỷ luật 17 người kê khai tài sản không trung thực.

“Thực tế công tác kê khai tài sản chưa đảm bảo có được đủ thông tin về nguồn gốc tài sản. Điều này ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng” - ông Hưng nói.

Một trong những vấn đề được các chuyên gia, nhà quản lý đề cập nhiều tại hội thảo là giá trị pháp lý của việc đăng ký tài sản. Ông Đặng Trường Sơn (ngân hàng ACB) cho hay nhiều trường hợp ký kết hợp đồng tài sản đã được cơ quan chức năng về xác minh, làm đủ hết các bước nhưng đến khi có tranh chấp ra tòa, chỉ cần một tờ giấy viết tay nói tài sản này trước đó đã có giao dịch thì tài sản đó bị đóng băng. “Doanh nghiệp người ta mất nhiều tiền của và công sức đổ vào tài sản đó, người ta cũng đã tin tưởng vào đăng ký tài sản rồi mà lại không được bảo vệ. Đây chính là bất cập của hoạt động đăng ký tài sản hiện nay” - ông Sơn nói.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Chi Lan cũng cho rằng hoạt động đăng ký tài sản hiện nay chưa làm rõ lịch sử hình thành tài sản điều này dẫn đến việc giao dịch các tài sản thiếu an toàn. “Ví dụ ông bố đã giao nhà đất cho con, sau đó mang đi thế chấp ngân hàng. Tôi đảm bảo nhiều ngân hàng đều nhận thế chấp này. Tuy nhiên đến khi ông bố không trả được nợ, ngân hàng bán tài sản thì không ai dám mua vì tài sản này có chủ sở hữu là người khác rồi” - bà Lan lấy ví dụ. Theo bà Lan, ở nhiều nước phát triển đi kèm với việc đăng ký tài sản, họ đồng thời tiến hành bảo hiểm đối với quyền sở hữu tài sản - tức thành lập một quỹ để bồi thường đối với các tài sản giao dịch gặp rủi ro.

Các chuyên gia cũng cho rằng hệ thống pháp luật và các thiết chế về đăng ký tài sản chưa hoàn thiện cũng cản trở quá trình giao dịch, đưa tài sản vào khai thác sản xuất, kinh doanh. Ông Nguyễn Hưng Quang dẫn chứng, muốn tích tụ ruộng đất thì hiện tại người nông dân và doanh nghiệp cần ký kết thỏa thuận về quyền sử dụng đất. “Thế nhưng ký thỏa thuận rồi thì đăng ký tài sản đó ở đâu. Nếu người nông dân trước đó đã đem thửa đất đó đi giao dịch thì quyền lợi của doanh nghiệp xử lý như thế nào?” - ông Quang đặt câu hỏi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm