Theo hồ sơ, tháng 10-2015, ba chủ quán kinh doanh tại Khu du lịch biển Hòn Câu (xã Diễn Hải) là bà Lê Thị Hoa, bà Lê Thị Oanh và ông Nguyễn Văn Thọ đã có đơn tố cáo ông Điều (lúc đó đang làm công an viên kiêm phó trưởng Ban Quản lý Khu du lịch biển Hòn Câu) và Ánh (công an viên) nhận 13 triệu đồng tiền “hối lộ” để không bị xử phạt hành chính.
Sau đó, Điều và Ánh bị đình chỉ công tác để phục vụ điều tra rồi bị khởi tố bị can. TAND huyện Diễn Châu xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Điều 30 tháng tù, bị cáo Ánh 15 tháng tù về tội nhận hối lộ.
Không đồng tình với bản án trên, Điều và Ánh kháng cáo lên cấp phúc thẩm kêu oan và xin giảm án. Bị cáo Điều cho rằng số tiền 13 triệu đồng nhận của ba chủ quán trên được ghi vào sổ theo dõi nhận tiền “bồi dưỡng” của công an xã và dùng để chi tiêu chung, không phải nhận riêng cá nhân hai ông.
Tại phiên xử phúc thẩm ngày 25-1, đại diện VKSND tỉnh Nghệ An cho rằng trong hai vụ việc này chưa rõ hành vi bị cáo Điều nhận hối lộ mà có dấu hiệu của tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”.
Đại diện VKS cũng nhận định trong bản án sơ thẩm có dấu hiệu bỏ lọt tội chứa mại dâm của chủ quán. Tại hồ sơ vụ án, có các tin nhắn qua lại giữa chị Nguyễn Thị Duyên (con gái Nguyễn Duy Điều) với một người tên là “Anh Phương CA” có nội dung liên quan đến vụ án như: Thuê luật sư, chạy án, chạy thẩm phán.
Một file ghi âm được bị cáo cung cấp được cho là cuộc trao đổi giữa bị cáo điều và người đàn ông tên Phương được cho là điều tra viên trong vụ án này với nội dung chạy án, không thuê luật sư, chạy thẩm phán… Vậy người tên Phương trong tin nhắn với Duyên và trong cuộc trao đổi với bị cáo Điều trong flie ghi âm có phải là điều tra trong vụ án hay không?
Nếu là điều tra viên thì việc trao đổi với người nhà bị cáo và bản thân bị cáo trong vụ án có làm thay đổi bản chất vụ án hay không? Vì theo bị cáo Điều thì việc khai việc mua bán dâm là có sự mớm cung của điều tra viên, việc này cũng cần xác minh làm rõ.
Đại diện VKSND tỉnh Nghệ An cho rằng những vi phạm về nội dung và thủ tục nêu trên của cấp sơ thẩm là nghiêm trọng và không thể khắc phục được trong phiên phúc thẩm do đó đề nghị HĐXX tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, điều tra lại.
Do vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, cần nhiều thời gian nghị án nên đến ngày 30-1, HĐXX phúc thẩm mới tuyên án.