Hủy án vì cấp sơ thẩm xử sai nhiều lỗi

Theo hồ sơ, chiều 24-2-2014, sau khi uống rượu, Lộc (không có bằng lái) điều khiển xe mô tô của gia đình chở bạn về nhà. Khi đến đoạn đường thuộc thôn Tân Lập, xã Suối Bạc (huyện Sơn Hòa), Lộc điều khiển xe lấn phần đường bên trái, tông vào xe mô tô do Y Việt điều khiển chở vợ đi ngược chiều. Tai nạn khiến một người chết, một người bị thương tích 79%.

Xử sơ thẩm tháng 10-2014, TAND huyện Sơn Hòa đã tuyên phạt Lộc bốn năm tù, đồng thời buộc bị cáo bồi thường cho Y Việt hơn 99 triệu đồng và cấp dưỡng nuôi con của bị hại mỗi tháng 575.000 đồng. Sau đó bị cáo kháng cáo xin giảm án, bị hại kháng cáo đề nghị tăng phần dân sự.

Tại phiên xử phúc thẩm mới đây, TAND tỉnh Phú Yên nhận định án sơ thẩm đã đánh giá đúng tính chất, mức độ phạm tội của bị cáo để áp dụng các điểm a, đ khoản 2 Điều 202 BLHS đối với bị cáo là đúng. Tuy nhiên, tòa xử phạt Lộc bốn năm tù là quá nặng (hậu quả gây ra mới ở mức khởi điểm của khung hình phạt). Hơn nữa, trước khi mở phiên tòa phúc thẩm, bị cáo đã tiếp tục bồi thường 28 triệu đồng cho bị hại. Đây là tình tiết giảm nhẹ mới nên cần xem xét giảm cho bị cáo một phần hình phạt.

Về phần dân sự, án sơ thẩm xét chủ phương tiện là ông Y Trong (cha bị cáo) là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là sai tư cách tố tụng. Đúng ra tòa phải xác định ông Trong là bị đơn dân sự. Đồng thời, tòa sơ thẩm cũng chưa xem xét ông Trong có phải liên đới bồi thường hay không là sai, nếu cấp phúc thẩm buộc ông Trong phải bồi thường thì sẽ làm mất quyền kháng cáo của ông. Hơn nữa, bản án sơ thẩm còn tính chưa đúng, chưa đầy đủ các khoản phải bồi thường nhưng đã buộc bị cáo phải bồi thường hơn 99 triệu đồng. Trong đó khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần chưa xem xét hết khả năng người bị hại rất khó phục hồi để tự sinh hoạt bình thường (Y Việt bị thương 79%). Người bị hại lại có vợ chết trong vụ tai nạn… nên phải tính tổn thất về tinh thần ở mức tối đa nhưng cấp sơ thẩm lại tính gộp cả hai người là 45 tháng lương tối thiểu. Nếu cấp phúc thẩm sửa theo hướng tăng lên thì bị cáo và bị đơn dân sự mất quyền kháng cáo.

Mặt khác, xe mô tô gây tai nạn là tài sản để bảo đảm bồi thường dân sự nhưng bản án sơ thẩm lại tuyên trả cho chủ sở hữu là không đúng. Bị cáo có trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con của bị hại nhưng không buộc bị cáo phải chịu án phí cấp dưỡng là thiếu sót. Những sai sót này cấp phúc thẩm không thể khắc phục được.

Từ đó TAND tỉnh Phú Yên đã tuyên giảm hình phạt cho bị cáo Lộc từ bốn năm tù xuống còn ba năm tù và tuyên hủy phần trách nhiệm dân sự để xét xử lại.

HỒ LƯU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm