Theo hồ sơ, bà D. và ông H. kết hôn năm 2009. Đến năm 2016, hai người thuận tình ly hôn. Theo thỏa thuận, bà D. tiếp tục nuôi con (SN 2010), ông H. phải cấp dưỡng 2 triệu đồng/tháng.
Sau đó, bà D. khởi kiện yêu cầu TAND huyện Hóc Môn chia tài sản chung là một căn nhà tại huyện này (trị giá hơn 1,4 tỉ đồng).
Theo bà D., tổng cộng các khoản nợ chung trong thời kỳ hôn nhân là gần 700 triệu đồng. Bà đề nghị được mua lại căn nhà với giá 1,8 tỉ đồng, bà sẽ trả hết các khoản nợ và hoàn lại cho ông H. hơn 500 triệu đồng.
Ông H. thống nhất về nợ chung và tài sản chung. Ông cũng yêu cầu được giữ lại căn nhà nhưng chỉ đồng ý mua với giá 1,6 tỉ đồng.
Xử sơ thẩm hồi tháng 7-2017, TAND huyện Hóc Môn đã tuyên chấp nhận yêu cầu của bà D.
Ông H. kháng cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm, ông đồng ý mua lại căn nhà với giá 1,8 tỉ đồng. Ông cho rằng mình đang quản lý, sử dụng căn nhà và kinh doanh dịch vụ cầm đồ tại đây nên phải được ưu tiên giữ nhà. “Hiện tôi đã có gia đình mới và rất có nhu cầu về chỗ ở” - ông H. nói.
Về phần mình, bà D. cho biết: “Từ khi ly hôn, hai mẹ con tôi phải ở nhà trọ. Ông H. chỉ cấp dưỡng cho con được hai tháng rồi tháng có tháng không..., đến nỗi tôi phải làm đơn yêu cầu thi hành án. Tôi rất mong được giữ căn nhà để cho con có chỗ ở ổn định, thuận tiện cho việc học hành của cháu”.
Đại diện VKSND TP.HCM cho rằng căn nhà là tài sản chung của hai người. Từ khi ly hôn, bà D. phải thuê nhà trọ để ở, phần ông H. tiếp tục sống tại căn nhà và kinh doanh là đã được hưởng lợi từ tài sản chung này. Yêu cầu của bà D. là gắn liền với quyền lợi của đứa trẻ nên đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên giao nhà cho bà D.
Đồng tình, HĐXX đã quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm.