Trong BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung), chương tội phạm về chức vụ tuy không thay đổi về số lượng điều luật nhưng cả 15/15 điều luật đều có những sửa đổi, bổ sung quan trọng.
Tham ô, hối lộ ở khu vực tư: Xử hình sự
Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Thị Thủy, thay đổi lớn nhất là bộ luật đã mở rộng phạm vi chống tham nhũng sang khu vực tư đối với bốn tội tham ô, hối lộ, đưa hối lộ và môi giới hối lộ.
Quá trình thảo luận BLHS 2015, có ý kiến đại biểu Quốc hội cũng như chuyên gia cho rằng mở rộng chống tham nhũng sang khu vực tư không thuyết phục bởi tham nhũng là ăn cắp của nhân dân, rút ruột của Nhà nước. Thêm vào đó, cuộc chiến chống tham nhũng mới ở khu vực công “làm còn không nổi”, thuốc chữa tham nhũng chưa có tính đặc trị, nay lại “pha loãng” ra thì hiệu quả thế nào…
Trong khi đó, nhiều ý kiến khác nói khu vực tư cũng có đưa-nhận hối lộ. Một giám đốc làm thuê hay một trưởng phòng nhân sự cũng có thể nhận hối lộ khi tuyển dụng nhân sự hoặc mua bán hàng hóa..., gây thiệt hại cho chủ sở hữu. Cạnh đó, cùng là một hành vi biển thủ, kế toán trường công lập bị xử tội tham ô, còn kế toán trường tư lại bị xử tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hay một tội khác trong khi bản chất hành vi phạm tội và hậu quả như nhau là không hợp lý.
Sau cùng, luồng ý kiến thứ hai đã “thắng thế”. Cạnh đó, BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung) cũng bổ sung xử lý hành vi đưa hối lộ cho công chức nước ngoài và công chức thuộc tổ chức quốc tế công (theo BLHS hiện hành, nếu người Việt Nam đưa hối lộ cho công chức nước ngoài thì không bị tội).
Xét xử một vụ nhận hối lộ tại TAND TP Cần Thơ. Ảnh: NN
“Của hối lộ” cũng có thể là lợi ích phi vật chất
Một điểm mới quan trọng khác, BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung) đã mở rộng nội hàm “của hối lộ”, bổ sung “lợi ích phi vật chất” trong cấu thành của năm tội danh: nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi và lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi.
Theo bà Nguyễn Thị Thủy, thực tiễn cho thấy nhiều trường hợp hối lộ cả lợi ích tinh thần như vị trí công tác, suất du học cho con cái... “Nếu chỉ giữ quy định như BLHS hiện hành là “của hối lộ” chỉ gồm tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác thì quá hẹp và không phù hợp với thực tiễn” - bà Thủy nói.
Bà Thủy cho hay trong quá trình thảo luận BLHS 2015, có ý kiến cho rằng lợi ích phi vật chất cũng phân loại giá trị lớn và giá trị nhỏ nên cần chia để định lượng. Tuy nhiên, cũng có ý kiến lập luận đã là “phi vật chất” thì không phân chia, định giá được.
“Cuối cùng Quốc hội kết luận các ý kiến đều có tình, có lý, khi phân tích vào các điều kiện cụ thể của thực tế, đối với “của hối lộ” là lợi ích phi vật chất thì luôn nằm ở khoản 1, dù là hối lộ một suất học hay năm suất học cho con” - bà Thủy nói.
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết thời gian tới, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao sẽ có hướng dẫn về “lợi ích phi vật chất” vì quy định hiện nay còn khá “tù mù”.
Ăn thịt thú rừng: Không có tội Trong BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung), chương các tội phạm về môi trường có nhiều sửa đổi rất quan trọng. Các nhà làm luật đã “giải mã” hết các tình tiết định tính thành định lượng chi tiết, điều chỉnh một số tội trước đây có cấu thành vật chất (phải có hậu quả xảy ra) chuyển sang cấu thành hình thức (chỉ cần có hành vi đã cấu thành tội phạm)... Liên quan đến tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật nguy cấp quý hiếm, bà Nguyễn Thị Thủy cho biết BLHS hiện hành có bất cập là chỉ xử lý hình sự đối với một nhóm động vật nguy cấp quý hiếm được ưu tiên bảo vệ và dùng tình tiết định tính là “gây hậu quả nghiêm trọng” để làm cơ sở để định tội, định khung hình phạt. Trong khi đó, Công ước về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) quy định có ba nhóm đối tượng phải bảo vệ. BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung) đã sửa theo hướng bổ sung cả ba nhóm thuộc đối tượng bảo vệ theo tinh thần Công ước CITES. Đối với động vật nguy cấp quý hiếm được ưu tiên bảo vệ, nếu có một trong bảy hành vi (săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép) chỉ một con vật (dù sống hay chết) là bị xử lý hình sự. “Đối với ngà voi, sừng tê giác, vấn đề mà các ngành tố tụng đang vướng mắc rất nhiều, BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung) đã quy định định lượng cụ thể. Theo đó, ngà voi từ 2 kg trở lên, sừng tê giác nửa lạng là bị hình sự” - bà Thủy nói. Bà Thủy cũng cho hay trước đây có ý kiến đề nghị cần khởi tố cả hành vi ăn thịt thú rừng để xử lý nghiêm, xử lý tận gốc vì có cầu mới có cung. Khi tổng hợp ý kiến, Ủy ban Tư pháp rất băn khoăn. Cuối cùng, Quốc hội quyết định vẫn giữ như truyền thống, chỉ xử lý hình sự bảy hành vi trên. |