Số lượng vụ án, bị can được tạm đình chỉ điều tra tăng mạnh

“Theo báo cáo của Chính phủ năm 2018, số lượng các vụ án, bị can được tạm đình chỉ điều tra vẫn chiếm số lượng rất lớn và ngày càng gia tăng, hơn 12.000 vụ và hơn 2.000 bị can, tăng 4% về số vụ và 6,7% về số bị can. Trong đó, có một số vụ sắp hết thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự, tiềm ẩn nguy cơ bỏ lọt tội phạm. Những vụ án và số bị can này bị đặt trong tình trạng treo lơ lửng về địa vị pháp lý. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng điều tra. Nguyên nhân chủ quan của tình trạng này là gì? Giải pháp đột phá gì để khắc phục tình trạng trên?”

ĐBQH Mai Thị Phương Hoa

Trả lời sau đó, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho hay, trong kỳ báo cáo, số lượng tạm đình chỉ, số bị can là hơn 2.400 bị can, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm trước. Đình chỉ điều tra là gần 2.350 bị can, tăng 20% số bị can so với cùng kỳ năm trước.. Chủ yếu do chúng ta thực hiện BLHS mới 2015, trong đó, 1.179 bị can đình chỉ do người bị hại rút đơn, 362 bị can đình chỉ do người bị hại hoặc đại diện người bị hại tự nguyện hòa giải...

“Số bị can tạm đình chỉ và đình chỉ tăng lên nguyên nhân chính do vậy”- Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.

Bộ trưởng Công an Tô Lâm

Về nguyên nhân chủ quan, theo ông Tô Lâm, những trường hợp này chiếm tỷ lệ rất nhỏ, 24 trường hợp (chiếm 0,75%), trong đó 18 bị can đình chỉ do không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cẩu thành tội phạm, 6 trường hợp do bị can do hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện hành vi phạm tội.

“Đối với các trường hợp này, chúng ta phải kiểm tra, đánh giá từng trường hợp cụ thể mới xác định vấn đề oan sai và bồi thường thiệt hại” – Bộ trưởng Công an cho hay.

Về giải pháp, theo người đứng đầu ngành công an, để tập trung nâng cao hiệu quả của công tác điều tra trong thời gian tới, Bộ Công an đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả BLTTHS 2013, BLHS 2015; Luật thi hành tạm giam, tạm giữ. Hiện Bộ Công an đang chỉ đạo rà soát lại các vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Đồng thời tăng cường tập huấn, đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ điều tra các cấp. Thực hiện có hiệu quả các dự án, đề án nhằm trang bị cho lực lượng điều tra hoàn thành nhiệm vụ, đặc biệt là bố trí các phòng hỏi cung có ghi âm, ghi hình để kiểm soát các hoạt động...

Bộ trưởng Tô Lâm cũng nhấn mạnh tới việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để chấn chỉnh những tồn tại, thiếu sót trong việc tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm. Trước mắt là triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch tổng kiểm tra các vụ tạm đình chỉ điều tra, đình chỉ điều tra trong toàn quốc.

Cạnh đó là việc tiếp tục thực hiện các giải pháp phòng ngừa sai phạm, tiêu cực trong hoạt động điều tra; các giải pháp chống bức cung, nhục hình và các vi phạm khác có liên quan.

Chia lửa sau đó, Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí khẳng định, cơ quan điều tra, VKS đã có nhiều nỗ lực nhưng công tác điều tra vẫn còn những tồn tại. “Chúng tôi nhận thức đó là trách nhiệm của chúng tôi trong thực hiện nhiệm vụ và chúng tôi sẽ áp dụng các biện pháp tiếp theo để hạn chế nó”- ông Trí nói.

Viện trưởng VKSNDTC Lê  Minh Trí

Theo Viện trưởng VKSND Tối cao, ngành kiểm sát sẽ tăng cường kiểm sát quá trình giải quyết, xử lý tin báo tố giác tội phạm ngay từ đầu. Quá trình khởi tố cũng như điều tra, ngành sẽ yêu cầu kiểm sát viên nghiên cứu hồ sơ, phát hiện ra các mâu thuẫn, bất cập trong hồ sơ để từ đó đưa ra các yêu cầu xác minh, yêu cầu điều tra kịp thời để quá trình kiểm sát chặt chẽ từ đầu và trong suốt quá trình điều tra, truy tố.

“Thực hiện các quy định của BLTTHS và các quy định của ngành để tiếp tục thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh, chấp hành nghiêm để hạn chế hơn các sai sót”- ông Trí khẳng định.

Tuy nhiên, Viện trưởng VKSNDTC cho rằng, quá trình tạm đình chỉ hoặc đình chỉ cũng có mặt tích cực của nó. “Trong đấu tranh với tội phạm, có những việc chúng ta không khởi tố, không bắt thì cũng không điều tra được. Ví dụ tội phạm ma túy, tham nhũng, các tội cướp, giết, hiếp, ngay cả tội đánh bài, nếu chần chừ không làm thì không được. Nhưng khi làm thì quá trình phân loại, rà soát sẽ có những việc chúng ta thấy không đủ yếu tố, chúng ta đình chỉ hoặc tạm đình chỉ để bảo đảm ngăn chặn oan sai”- ông Trí nói.

“Viện trưởng VKSNDTC năm 2017 đã yêu cầu 63 Viện trưởng của 63 tỉnh, thành rà soát lại các vụ việc tạm đình chỉ để cái nào trong thời hiệu thì tiếp tục xem xét, phục hồi điều tra trong thời hạn cho phép. Cái nào không đủ điều kiện thì cũng phải kết thúc nó để bảo đảm trách nhiệm của kiểm sát trong quá trình kiểm sát việc điều tra, truy tố”- ông Trí nói thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm