Sáng 30-10, tiếp tục nghị trình, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã trình bày báo cáo về thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.
Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, trên cơ sở tổng kết thực tiễn xét xử, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã ban hành 27 án lệ. Các án lệ đã tháo gỡ được khó khăn của thực tiễn, góp phần áp dụng thống nhất pháp luật, được nhiều cấp tòa áp dụng.
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình.
Ông Bình cũng cho hay thậm chí có án lệ được chánh án các nước đánh giá cao và thừa nhận có giá trị tham khảo để áp dụng quốc tế, như án lệ có tình huống lái ô tô đâm thẳng vào CSGT đang làm nhiệm vụ dừng xe kiểm tra. CSGT chỉ bị thương, không chết do bám được vào gạt nước và kính chiếu hậu trên thành xe. Giải pháp pháp lý là bị cáo bị kết án về tội giết người (không thành) chứ không phải tội chống người thi hành công vụ như một số tòa án đã xét xử trước đây.
Chánh án TAND Tối cao đã chỉ thị cho các tòa án tuân thủ nghiêm nguyên tắc tranh trụng, quy định các tiêu chí đánh giá phiên xử theo tinh thần cải cách tư pháp. Theo đó, các tòa án không được hạn chế thời gian tranh tụng, tôn trọng và bảo đảm các bên tham gia tố tụng đưa ra chứng cứ và trình bày hết các ý kiến của mình, tuyên án trên cơ sở kiểm tra chứng cứ công khai và kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Chính vì vậy, việc tranh tụng trong việc xét xử được thực thi nghiêm túc, nhất là các phiên tòa xét xử tội phạm tham nhũng và các phiên tòa được xã hội quan tâm.
“Các thẩm phán thể hiện bản lĩnh nghề nghiệp và thực hiện đúng nguyên tắc độc lập trong xét xử; chú trọng thực hiện hết các thẩm quyền tố tụng theo quy định của pháp luật để đảm bảo giải quyết tốt vụ án” - Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.
Cũng theo Chánh án TAND Tối cao, công tác xét xử các vụ án hình sự đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người không có tội. Các vụ án lớn, đăc biệt là các vụ án kinh tế, tham nhũng và các vụ án dư luận xã hội quan tâm được các tòa án đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh. Các tòa án đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với bị cáo chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản lớn của Nhà nước, đồng thời chú trọng phân hóa, nhân đạo đối với người làm công ăn lương, phạm tội lần đầu, phải làm theo mệnh lệnh cấp trên, không tư lợi.
“Các bản án đã chú ý áp dụng các biện pháp kê khai tài sản, các biện pháp tư pháp và các hình phạt bổ sung nhằm thu hồi tài sản của Nhà nước đã bị các bị cáo chiếm đoạt hoặc gây thiệt hại” - ông Bình cho biết.
Còn để xảy ra trường hợp bị can bị oan trong giai đoạn truy tố Báo cáo trước Quốc hội sáng nay, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí nhấn mạnh toàn ngành kiểm sát đã tập trung đổi mới, kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra; thành lập đơn vị thanh tra tại tất cả VKSND cấp tỉnh; tập trung thanh tra, kiểm tra về thực hiện trách nhiệm công vụ; tăng cường thanh tra đột xuất đối với các vụ việc có dấu hiệu vi phạm trong lĩnh vực hình sự; xử lý nghiêm cá nhân có sai phạm liên quan đến oan, sai… Cụ thể, năm 2016, toàn ngành đã thực hiện thanh tra 187 cuộc, kiểm tra 628 cuộc; năm 2017, thanh tra gần 2.100 cuộc, kiểm tra hơn 1.300 cuộc và 10 tháng năm 2018, thanh tra hơn 2.300 cuộc, kiểm tra gần 1.100 cuộc. Trình bày đánh giá thẩm tra sau đó, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhận xét chất lượng hoạt động điều tra, kiểm sát hoạt động điều tra và truy tố “tiếp tục được tăng cường”. Số vụ VKS yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự và số lượng, chất lượng các bản yêu cầu điều tra tăng. Cạnh đó, các trường hợp quá hạn giải quyết vụ án hình sự, tỉ lệ trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, số bị can phải đình chỉ do không phạm tội và số bị cáo tòa án tuyên không phạm tội giảm dần. Một số vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng đã được các cơ quan phối hợp điều tra, truy tố và đưa ra xét xử trong thời gian ngắn. “Tuy nhiên, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp còn để xảy ra trường hợp bị can bị oan trong giai đoạn truy tố; còn trường hợp phải rút quyết định truy tố trước khi mở phiên tòa; một số trường hợp truy tố thiếu căn cứ. Các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ bị trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung vẫn chiếm tỉ lệ lớn” - ông Nguyễn Hạnh Phúc nói. |