Thắng kiện vụ hứa thưởng hơn 54 tỉ đồng

Sau nhiều ngày nghị án, ngày 3-2, TAND TP.HCM đã tuyên án vụ tranh chấp hợp đồng hứa thưởng và nhiều tranh chấp khác liên quan đến căn nhà 446-448 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3 (hiện là hội sở Ngân hàng ACB) thụ lý từ năm 2011. HĐXX đã tuyên buộc phía bị đơn có trách nhiệm trả thưởng cho ông Đặng Đình Thịnh hơn 54,6 tỉ đồng.

Bỏ công đi đòi nhà

Theo nội dung vụ kiện, căn nhà 446-448 này thuộc sở hữu của ông Nguyễn Đắc Kha và bà Vương Thị Khanh. Năm 1980, ông Kha, bà Khanh lập tờ ủy quyền cho người khác để xuất cảnh. Đến năm 1999, UBND TP xác lập sở hữu nhà nước đối với căn nhà này theo diện “nhà vắng chủ”. Đầu năm 2001, Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP đã ký hợp đồng cho Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) thuê phần căn nhà trên làm hội sở. Ông Kha chết, bà Khanh và con trai Nguyễn Đắc Quang về Việt Nam xin lại nhà.

Năm 2007, bà Khanh và ông Quang ủy quyền cho ông Đặng Đình Thịnh thay mặt gia đình liên hệ với nhiều bộ, ngành đòi lại căn nhà này và ký bốn văn bản thỏa thuận hứa thưởng cho ông Thịnh với mức thưởng lần lượt được nâng lên cuối cùng là 35% trên tổng giá trị nhà và đất được Nhà nước giao trả.

Sau thời gian dài bỏ công tập hợp, hệ thống tài liệu và gõ cửa gửi đơn khiếu nại nhiều nơi, năm 2011 Bộ Xây dựng đã ban hành quyết định trả nhà cho bà Khanh. Theo ông Thịnh, sau khi được Nhà nước trả nhà, gia đình bà Khanh bội ước, trốn tránh nghĩa vụ trả thưởng và bán căn nhà này cho nhiều người. Vì vậy ông Thịnh khởi kiện bà Khanh và ông Quang tại TAND TP.HCM để đòi tiền hứa thưởng. Sau khi thụ lý vụ án, tòa đã phong tỏa, cấm mọi giao dịch liên quan đến căn nhà này.

Nguyên đơn đang trao đổi với phóng viên sau khi tuyên án. Ảnh: HOÀNG YẾN

 

Căn nhà liên quan đến tranh chấp trong vụ án. Ảnh: HOÀNG YẾN

Tòa: Hợp đồng hứa thưởng đúng luật

Tại tòa, nguyên đơn cho rằng trong các hợp đồng hứa thưởng cũng như nhiều văn bản khác chủ nhà luôn cam kết sẽ trả thưởng cho ông, ngay cả khi bà Khanh chết, việc trả thưởng cho ông cũng phải ưu tiên thực hiện. Tin tưởng chủ nhà, ông Thịnh đã bỏ công sức thay mặt chủ nhà “gõ cửa” khắp nơi và cuối cùng đạt kết quả. Căn cứ theo hợp đồng thì bị đơn phải ưu tiên trả công cho ông trước.

Ngược lại, bị đơn - bà Khanh không đồng ý trả thưởng. Theo bà, bà chỉ ký một hợp đồng hứa thưởng 15% chứ không ký thêm hợp đồng nào. Còn ông Quang (con bà Khanh) cho rằng đã hủy hợp đồng hứa thưởng trước khi có kết quả.

Cuối cùng, HĐXX nhận định hợp đồng hứa thưởng 35% mà nguyên đơn trình bày là hoàn toàn hợp pháp, luật không cấm cũng như không có việc giới hạn mức trả thưởng. Cạnh đó, bị đơn không cung cấp được chứng cứ cho lời trình bày của mình về việc hủy hợp đồng, hủy ủy quyền... nên tòa chấp nhận yêu cầu của ông Thịnh. Theo định giá, căn nhà có giá trị 156 tỉ đồng nên tòa buộc bị đơn phải trả cho ông Thịnh số tiền nêu trên.

Sau khi tòa tuyên án, nguyên đơn - ông Đặng Đình Thịnh cho biết dù thắng kiện nhưng ông vẫn sẽ kháng cáo. Bởi việc định giá căn nhà là quá thấp so với giá trị thực tế, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của ông...

Viện bảo tách, tòa nói nhập

Liên quan tới căn nhà này, hồ sơ còn thể hiện việc chủ nhà đã nhận tiền cọc của một người 210 tỉ đồng để bán căn nhà với giá 250 tỉ đồng nên người liên quan này có yêu cầu độc lập với bị đơn là đòi trả lại tiền cọc. Còn ông Quang thì kiện ngược lại mẹ mình (bà Khanh) về “hợp đồng hứa thưởng cho tặng toàn bộ nhà, đất”. Bà Khanh thì yêu cầu hủy bỏ tờ khai di sản mà ông Quang khai vì bỏ sót thừa kế (bà có chín người con)... Một người liên quan khác thì đòi ông Quang 22 tỉ đồng tiền đặt cọc mua nhà. Và ngân hàng ACB đang sử dụng căn nhà này cũng kiện hai mẹ con bị đơn về “hợp đồng cho thuê nhà 50 năm”…

Tại tòa, đại diện VKS cho rằng quan hệ tranh chấp hứa thưởng đã được tòa án thụ lý khá lâu và đã hoàn tất mọi thủ tục tố tụng nên cần được tách ra để giải quyết bằng một vụ án độc lập. Điều này nhằm đảm bảo đúng pháp luật và đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho nguyên đơn. Theo viện, các tranh chấp khác cần được tách ra thành vụ án riêng và triệu tập đầy đủ các đồng thừa kế của gia đình bà Khanh nhằm đảm bảo các thủ tục và quyền lợi của các đương sự.

Ngược lại, HĐXX nhận định các tranh chấp đều liên quan đến căn nhà này nên không tách các quan hệ ra để giải quyết riêng mà giải quyết trong một vụ án nhằm bảo đảm quyền lợi cho các đương sự.

Cá nhân được “hứa thưởng”, luật gia, luật sư thì không

Vụ án này ông Đặng Đình Thịnh ký hợp đồng hứa thưởng với tư cách cá nhân. Nhưng ông Thịnh được nhiều người biết đến với tư cách là một luật gia. Vì vậy về pháp lý, nhiều người thắc mắc liệu luật gia, luật sư có được ký các hợp đồng hứa thưởng với người khác không.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Đoàn Luật sư TP.HCM, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, cho biết nếu hợp đồng hứa thưởng ký với tư cách cá nhân và không vi phạm điều cấm của pháp luật thì hoàn toàn đúng luật, các bên đều có nghĩa vụ thực hiện cho đúng. Tuy nhiên, nếu người ký hợp đồng trên có một bên là luật gia, luật sư thì là vấn đề cần xem xét. Bởi luật sư, luật gia là những người am hiểu pháp luật, nói nôm na là “kẻ mạnh”, thế nên nếu hợp đồng có điều gì không rõ ràng thì luật ưu tiên giải thích theo hướng bảo vệ cho người “yếu thế” (khoản 8 Điều 409 BLDS).

Cạnh đó, luật sư Hà Hải (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng cho rằng nếu ký hợp đồng hứa thưởng với tư cách luật gia thì hợp đồng đó là vô hiệu. Bởi luật gia chỉ là người tham gia tổ chức chính trị xã hội, không phải là nghề. Họ am hiểu pháp lý và hỗ trợ cho mọi người với mục đích phi lợi nhuận. Không như luật sư là một nghề nghiệp, họ thực hiện một công việc cho thân chủ và được trả thù lao. Tuy nhiên, luật sư cũng không được ký các hợp đồng hứa thưởng vì điều đó vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Theo luật sư Hà Hải, trên thực tế, các luật sư mặc định rằng không được hứa thưởng với các việc liên quan đến tố tụng. Bởi hứa thưởng thì có điều kiện đảm bảo kết quả nhưng trong lĩnh vực tố tụng điều đó không khác nào “chạy án”. Còn những việc liên quan đến việc liên hệ các cơ quan hành chính để làm các thủ tục đem lại kết quả thì việc hứa thưởng là bình thường. Tuy nhiên, trong trường hợp này khách hàng hứa thưởng là phải tự nguyện, luật sư không thể ép buộc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm