Đó là vấn đề được thảo luận nhiều nhất tại hội thảo lấy ý kiến về đề án đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động GĐTP do Bộ Tư pháp tổ chức tại TP.HCM vào ngày 6-8.
Theo Sở Tư pháp TP.HCM, năm 2013 chủ tịch UBND TP cho phép thành lập Văn phòng GĐTP Sài Gòn hoạt động trong lĩnh vực tài chính. Trung bình mỗi năm, văn phòng này cũng chỉ thực hiện được hai vụ việc GĐTP.
Sở Tư pháp mặc dù đã cố gắng trong việc động viên, khuyến khích những người đủ điều kiện tham gia thành lập tổ chức GĐTP ngoài công lập nhưng do đa số giám định viên tư pháp trong các lĩnh vực được xã hội hóa đang công tác kiêm nhiệm tại các sở, ngành nên không đủ điều kiện thành lập văn phòng GĐTP.
Một số lĩnh vực GĐTP được xã hội hóa có số lượng vụ việc giám định ít, thời điểm hiện nay nhu cầu của xã hội chưa cao, trong khi đó chi phí đầu tư lại rất lớn, thù lao, chi phí giám định chưa tương xứng…
Luật GĐTP 2012 đã cho các tổ chức GĐTP ngoài công lập được thành lập trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, cổ vật, di vật, bản quyền tác giả.
Tuy nhiên, trên thực tế việc chỉ cho phép xã hội hóa GĐTP đối với các lĩnh vực có nhu cầu giám định không lớn, không thường xuyên sẽ không thu hút được các nguồn lực xã hội đầu tư vào hoạt động giám định.
Theo Sở Tư pháp TP Hà Nội thì Luật GĐTP chưa thu hút được GĐTP. Ảnh: NGÂN NGA
Cạnh đó Sở Tư pháp TP Đà Nẵng và Sở Tư pháp TP Hà Nội cũng cho rằng quy định GĐTP còn bất cập, gây ra nhiều khó khăn vì chỉ có các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, di vật, cổ vật, bản quyền tác giải mới được thành lập văn phòng GĐTP.
Nhưng các lĩnh vực này khó, phức tạp và không bảo đảm lợi nhuận khi thành lập văn phòng nên hầu như không có tổ chức, cá nhân nào đề nghị thành lập. Đội ngũ giám định viên tư pháp trong các lĩnh vực chuyên ngành được bổ nhiệm nhưng chủ yếu là cán bộ, công chức làm việc tại cơ quan nhà nước, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm nên chưa dành nhiều thời gian để thực hiện GĐTP và các cơ quan tố tụng cũng ít mời.
Đối với giám định về di vật, cổ vật, bản quyền tác giả chưa phát sinh vụ việc nào. Từ đó Sở Tư pháp TP Đà Nẵng đề nghị Bộ Tư pháp sớm sửa đổi, bổ sung mở rộng thêm lĩnh vực được thành lập văn phòng GĐTP để thực hiện kêu gọi xã hội hóa giám định tư pháp.
Tại hội thảo, Sở Tài chính (TP.HCM) cũng than rằng từ 2013 đến nay mới tiếp nhận được 17 vụ việc trưng cầu thì mới thực hiện giám định được 10 vụ. Vướng mắc ở chỗ giám định viên được độc lập đưa ra kết luận giám định và chịu trách nhiệm cá nhân về kết luận giám định do mình đưa ra.
Tuy nhiên, hiện nay quy trình giám định chuẩn ở lĩnh vực tài chính-kế toán chưa được ban hành nên cũng ảnh hưởng không ít về áp lực tâm lý khi kết luận.