Vì sao nhiều bản án hành chính bị hủy, sửa?

Trong sáu tháng đầu năm 2018, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã thụ lý 673 vụ án hành chính, đã giải quyết 215 vụ, trong đó đưa ra xét xử phúc thẩm 200 vụ. Kết quả xét xử, tòa đã y án 159 vụ, sửa án 19 vụ (sửa toàn bộ 15 vụ và sửa một phần bốn vụ); hủy án 22 vụ (hủy để xét xử lại 15 vụ và hủy đình chỉ bảy vụ).

Các vi phạm phổ biến dẫn đến hủy án là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng như cấp sơ thẩm không đưa người liên quan vào tham gia tố tụng, xử vượt quá thẩm quyền. Vi phạm nghiêm trọng trong việc thu thập, đánh giá chứng cứ và áp dụng pháp luật.

Ngoài ra là việc thu thập chưa đầy đủ, chưa làm rõ những nội dung quan trọng để làm cơ sở đánh giá quyết định hành chính, hành vi hành chính đúng hay sai, dẫn đến hủy án để giải quyết lại. Án sơ thẩm nhận định, đánh giá và giải quyết không đúng, áp dụng pháp luật không đúng dẫn đến án phúc thẩm sửa án.

Trong việc xét xử án hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai cho thấy cấp sơ thẩm đã áp dụng không đúng pháp luật về trường hợp thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) đã cấp cho người thứ ba ngay tình dẫn đến bị sửa án.

Điển hình như vụ bà H. khởi kiện chủ tịch UBND huyện Tân Phước, Tiền Giang đối với thông báo thu hồi GCNQSDĐ. Án sơ thẩm bác yêu cầu khởi kiện trong khi bà H. đã nhận chuyển nhượng đất của ông M.

Căn cứ điểm d khoản 2 Điều 106 Luật Đất đai 2013 và khoản 5 Điều 87 Nghị định số 43/2014 thì UBND không được quyền thu hồi GCNQSDĐ đã cấp. Do vậy, khi giải quyết tòa án cấp phúc thẩm đã sửa án sơ thẩm có nội dung tuyên hủy quyết định, thông báo thu hồi giấy chứng nhận.

ĐẠI HƯNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm