Vụ ông Thăng: Luật sư đề nghị VKS tranh luận đến cùng

Luật sư (LS) Đinh Anh Tuấn, người bào chữa cho bị cáo Phùng Đình Thực (nguyên TGĐ PVN) nêu quan điểm của mình.

Trước đó, ông Thực bị đại diện VKS đề nghị tuyên 12-13 năm tù về tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

“Lời luận tội của bên công tố tôi cảm thấy hơi thất vọng vì sơ sài hơn cáo trạng, những diễn biến tại phiên tòa không được phản ánh trong lời luận tội, những nỗ lực trả lời của bị cáo trước các câu hỏi đặt ra chỉ khiến công tố đi đến nhận định khai báo không thành khẩn, đổ lỗi cho cấp dưới,…” – LS Tuấn mở đầu.

Theo ông Tuấn, điểm mới trong lời luận tội của đại diện VKS so với cáo trạng đó là đưa thêm nhận định bị cáo Thực biết rõ PVC không đủ năng lực, kinh nghiệm nhưng vẫn cùng bị cáo Thăng chỉ đạo hợp đồng 33 để PVC làm tổng thầu và sau đó chỉ đạo cấp vốn cho PVC trái các quy định nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, theo cáo trạng, ngày 18-6-2010, ông Đinh La Thăng ký nghị quyết đồng ý chủ trương giao PVC thực hiện gói thầu EPC dự án Thái Bình 2. Đến ngày 15-10-2010, ông Thăng lại ký nghị quyết phê duyệt phương án liên danh tổng thầu EPC. Việc ông Thăng phải thay đổi từ “tổng thầu” sang “liên danh tổng thầu” là vì trước đó ngày 10-9-2010, ông Thực đã ký quyết định thành lập Ban chỉ đạo các dự án Nhiệt điện than do ông Nguyễn Quốc Khánh - nguyên Phó TGĐ PVN làm trưởng ban. Trong đó, ông Thực yêu cầu ban này xây dựng phương án liên danh tổng thầu cho dự án Thái Bình 2 vì ông Thực nhận thấy PVC chưa đủ kinh nghiệm làm tổng thầu.

“Trong hồ sơ hoàn toàn không có tài liệu nào cho thấy sau đó ông Thực thay đổi quan điểm, đưa ra chỉ đạo mới nhằm thay đổi phương án liên danh tổng thầu thành phương án PVC làm tổng thầu” – LS Tuấn phân tích.

Luật sư đang tranh luận tại tòa. Ảnh chụp qua màn hình: TUYẾN PHAN

Một luận điểm khác được vị LS này trình bày trước tòa, đó là ông Phùng Đình Thực có biết hợp đồng EPC số 33 trái quy định hay không? LS Tuấn cho rằng có 2 trường hợp có thể xảy ra. Thứ nhất, có thể ông Thực kết hợp ông Đinh La Thăng ký hợp đồng EPC một cách hình thức mục đích để khởi công dự án. “Tuy nhiên, hồ sơ vụ án không có tài liệu nào cho phép nhận định bị cáo Thực đã tự chỉ đạo hoặc kết hợp với bị cáo Thăng cùng chỉ đạo 2 đơn vị thành viên ký một hợp đồng chỉ đạt yêu cầu về hình thức…” - ông Tuấn nêu quan điểm.

Trường hợp thứ 2, bị cáo Thực không chỉ đạo ký hợp đồng EPC số 33, sau đó có biết cấp dưới đã trót làm sai nhưng không chỉ đạo khắc phục mà vẫn cho thực hiện hợp đồng này. Đối với trường hợp này, LS Tuấn cũng nêu nhiều căn cứ khẳng định trước ngày 16-6-2011, ông Thực không biết hợp đồng EPC số 33 không có giá trị pháp lý. Đáng chú ý, vị LS cho biết nhiều văn bản có nội dung liên quan đến việc nếu chuyển đổi công nghệ tại dự án Thái Bình 2 thì dự án đầu tư, hiệu chỉnh thiết kế đến tháng 6-2011 mới xong, không được chuyển tới tay bị cáo Phùng Đình Thực…

Nói thêm, LS này khẳng định bị cáo Thực không cố ý làm trái khi ủy quyền cho bị cáo Nguyễn Quốc Khánh ký hợp đồng số 4194 (tiếp nối hợp đồng EPC số 33). “Trên thực tế, ông Khánh đã ký hợp đồng chuyển đổi chủ thể số 4194 mà không báo cáo lại với ông Thực về rủi ro pháp lý của hợp đồng số 33” – LS Tuấn nói.

Từ đó, ông Tuấn đề nghị kiểm sát viên sẽ tranh luận đến cùng với những luận cứ của ông đưa ra; đề nghị HĐXX tuyên bố không đủ căn cứ để kết luận bị cáo Phùng Đình Thực có hành vi cấu thành tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng,…

Phiên tòa vẫn đang tiếp tục...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm