Sáng 13-1, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử vụ án Phạm Công Danh (giai đoạn 2)…
Bị cáo Hoàng Long Hà, nguyên phó giám đốc BIDV Chi nhánh Gia Định, khẳng định mình không sai trong việc cho các công ty ông Danh vay.
Ông Hà bị truy tố xuất phát từ Công ty Phong Hiệp, một trong 12 công ty mà BIDV Gia Định tiếp nhận từ BIDV hội sở do phía VNCB giới thiệu.
Hồ sơ vay vốn của các công ty cơ bản giống nhau nhưng hồ sơ công ty này có lạ. Đó là ông Trần Hiệp, giám đốc Công ty Phong Hiệp, là thành viên HĐQT VNCB trong khi tài sản bảo đảm lại là tiền của VNCB nên BIDV không được phép cho vay.
Nhiều người phải ra tòa vì là đồng phạm với Phạm Công Danh ngậm ngùi. Ảnh: QUỐC VŨ
Trả lời HĐXX, ông Hà nói: "Việc phê duyệt khoản vay 325 tỉ đồng là nguyên nhân chính khiến tôi bị khởi tố, vi phạm Thông tư 28 của Ngân hàng Nhà nước. Nhưng tôi không phê duyệt khoản vay này". Ông Hà khẳng định không hề vi phạm quy định của pháp luật và không cố ý làm trái, không đồng phạm với Phạm Công Danh.
Ông Hà phân tích: "Theo tôi, cố ý làm trái là biết mà làm thì mới là cố ý làm trái. Điều này cơ bản sai phạm là do ông Trần Hiệp, nếu ông Hiệp không xuất hiện thì chúng tôi không bị khởi tố như ngày hôm nay".
Ông phân tích Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 chỉ quy định không được cấp tín dụng đối với cá nhân ông Trần Hiệp - thành viên HĐQT VNCB, không áp dụng đối với Công ty Phong Hiệp cho dù Công ty Phong Hiệp là Công ty TNHH một thành viên do Trần Hiệp làm giám đốc.
BIDV chỉ trực tiếp thu nợ từ Công ty Phong Hiệp, do vậy việc thiệt hại tại VNCB không phải do ảnh hưởng từ vay BIDV. Khi tại thời điểm VNCB chuyển tiền trả nợ cho BIDV thì ông Trần Hiệp cũng không còn là giám đốc của Công ty Phong hiệp. BIDV không hề bị thất thoát và không liên quan đến việc gây thiệt hại cho VNCB.
Bị cáo này cũng bức xúc có nhiều luật mà chỉ có VKS biết mà chúng tôi (ngân hàng) không biết. Không biết luật sinh ra là cho VKS sử dụng hay ngân hàng.
Cạnh đó, bị cáo Hà cũng nói về lời xin lỗi của ông Phan Thành Mai (nguyên tổng giám đốc VNCB). “Bản thân không chấp nhận lời xin lỗi này. Trường hợp của ông Trần Hiệp là quá dễ dàng để xử lý nhưng ông Mai lại không hề cho chúng tôi biết” - ông Hà nhấn mạnh.
Ông Hà cũng cho biết trường hợp Công ty Phong Hiệp và bị cáo Trần Hiệp là hy hữu, éo le trong việc cho vay khi người đi vay và người bảo đảm là một. Và khách quan phải 2-3 năm sau mới phát hiện được.
Phiên xử vẫn đang tiếp tục.