Bộ quy tắc gồm ba chương, với 17 điều quy định cụ thể những chuẩn mực đạo đức cũng như quy tắc ứng xử của thẩm phán.
Toàn cảnh hội nghị
Về yêu cầu chung, trước hết, Thẩm phán phải là người trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần dũng cảm, kiên quyết bảo vệ công lý, liêm khiết và trung thực; là tấm gương về liêm chính, độc lập, khách quan, công bằng, tận tụy và chỉ tuân theo pháp luật khi thi hành nhiệm vụ, công vụ.
Thẩm phán phải xử sự bản lĩnh, đúng mực, khoan dung, nhân ái, lịch thiệp và thận trọng khi thực hiện nhiệm vụ cũng như trong đời sống cá nhân để gìn giữ sự tin tưởng, tôn trọng của người dân và xã hội đối với Thẩm phán và Tòa án; không được làm những việc ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng, địa vị cao quý của mình; không ngừng học tập, nghiên cứu để nâng cao kiến thức, trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng nghề nghiệp.
Cũng theo dự thảo, đối với những người đã từng là Thẩm phán thì khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác cũng có trách nhiệm tiếp tục giữ gìn những giá trị đạo đức của người Thẩm phán.
Cạnh đó, dự thảo cũng quy định những “chuẩn mực không thể thiếu” của Thẩm phán như tính độc lập; sự vô tư, khách quan; liêm chính; công bằng, bình đẳng. Cạnh đó có những vấn đề đạo đức đối với các nghề nghiệp khác trong xã hội là bình thường nhưng với Thẩm phán lại phải nâng thành chuẩn mực đạo đức. Cụ thể, Thẩm phán còn phải có sự đúng mực; sự tận tụy và không chậm trễ; năng lực và sự chuyên cần.
“Qua dự thảo thì thấy Thẩm phán là con người quá hoàn hảo, thực tế rất khó thực hiện, yêu cầu rất cao, tiêu chuẩn còn cao hơn lãnh đạo địa phương, lãnh đạo thành phố hay Trung ương. Nhưng bây giờ góp ý để bỏ cái gì thì cũng không bỏ được”- Nguyễn Thanh Xuân, Chánh án TAND tỉnh Quảng Bình nhận xét.
“Ra ngoài có người bảo làm con người thế này giống như một thầy tu vậy, hoàn hảo quá mức”- ông Xuân nói thêm.
Trong khi đó, Chánh án TAND Quảng Nam Trương Trọng Tiến lại băn khoăn về một số quy định trong dự thảo. Ông Tiến dẫn chứng, điều 3 Dự thảo (về tính độc lập) quy định: Trong quá trình giải quyết vụ việc, Thẩm phán tự quyết định trên cơ sở đánh giá của mình về tình tiết sự việc, chứng cứ và chỉ tuân theo pháp luật; không bị tác động hoặc can thiệp từ bên ngoài, dù trực tiếp hay gián tiếp, ở bất cứ đâu hoặc vì bất cứ lý do gì.
“Không bị tác động, can thiệp từ bên ngoài. Vậy nếu tác động, can thiệp từ bên trong thì sao? Tôi thấy quy định khó hiểu quá”- ông Tiến bình luận.
Hay quy định tại Điều 5 về sự liêm chính: “Thẩm phán chỉ có thể nhận món quà lưu niệm, giải thưởng hay khoản tiền phù hợp với sự kiện được tổ chức, với điều kiện món quà, giải thưởng hay khoản tiền đó không bị coi là thể hiện sự thiếu vô tư, khách quan, có thể ảnh hưởng tới quá trình thực hiện nhiệm vụ của Thẩm phán...”.
Ông Tiến đề nghị cần phải xem lại quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và các quy định khác của Đảng.
“Đã là cán bộ, công chức, đảng viên hoạt động trong các cơ quan hành chính nhà nước thì cấm nhận quà dưới bất kỳ hình thức nào. Không khéo quy định như vậy lại tạo ra khe hở. Ví dụ bây giờ hai bên kiện nhau cái nhà, án có hiệu lực thi hành, họ tự nguyện mang quà đến thì có trái hay không? Quy chế của chúng ta mở ra vụ này là không được, ban soạn thảo phải xem xét kỹ”- ông Tiến nói.