Ngày 8-3, TAND Tối cao tổ chức hội thảo góp ý dự thảo bộ quy tắc đạo đức thẩm phán (lần hai). Hội thảo có sự tham dự của ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TAND Tối cao.
Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia đều cho rằng việc ban hành bộ quy tắc đạo đức thẩm phán là rất cần thiết. Nó kết hợp giữa tính pháp quyền và đạo đức trong tổ chức và hoạt động quyền lực tư pháp. Quy tắc này sẽ giúp các thẩm phán tự soi, răn mình về đạo đức.
Hội thảo góp ý dự thảo bộ quy tắc đạo đức thẩm phán của TAND Tối cao.
"Đạo đức thẩm phán đang có vấn đề"
"Đạo đức thẩm phán đang có vấn đề" - PGS-TS Phạm Duy Nghĩa, giảng viên chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright và khoa Luật Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng bất cứ nghề gì cũng có đạo đức của nghề đó, riêng với thẩm phán thì đòi hỏi đạo đức phải ở một mức cao hơn. Tuy nhiên, đạo đức là vấn đề rất khó, xã hội hiện nay đang “hơi hoảng loạn” về điều này và ngành tòa án phải đối mặt trước thực trạng đó.
“Đạo đức của thẩm phán nước ta có vấn đề lắm, dân họ chưa dành sự tôn trọng thẩm phán mà đáng ra cần có. Làm quan thì phải có đức, sao cho xứng đáng với đồng lương mà mình được nhận. Các thẩm phán phải “phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”; phải như những hòn đá để dân dựa vào” - PGS-TS Phạm Duy Nghĩa nói.
Ông cho rằng xây dựng bộ quy tắc đạo đức thẩm phán phải gắn với lòng tự trọng làm quan của từng người. Tất cả các nước thành công trong khu vực (Hàn, Nhật,…) đều tôn trọng các giá trị truyền thống, giữ được dáng dấp của một người làm quan rất đàng hoàng nhưng ở chúng ta thì còn hạn chế…
PGS-TS Phạm Duy Nghĩa cho rằng "đạo đức của thẩm phán đang có vấn đề".
Bộ quy tắc này cũng là cầu nối giữa ứng xử đạo đức và quy phạm pháp luật, dựa vào đó để người thẩm phán tự soi đức độ của mình; nó được thực thi chủ yếu dựa vào lòng tự trọng, tự xấu hổ và tự kiềm chế, khi vi phạm sẽ bị lên án hoặc tẩy chay.
Vị PGS-TS cũng phát biểu rằng việc hành xử không thiên vị, khách quan là điều cần có của một thẩm phán. Trong quá trình xét xử, thẩm phán phải tự soi vụ án nào xung đột với mình hay không. Ví dụ như anh xử một vụ về chính công ty mà anh có cổ phần, nếu thấy nguy cơ không thể xét xử công bằng được thì phải báo cáo. “Và khi đó, cần phải có cơ chế để người ta khai ra” - ông Nghĩa nhấn mạnh.
“Phải trả lương cao thì mới độc lập được!”
Xét xử độc lập và liêm chính là hai trong số quy tắc đạo đức được các đại biểu đặc biệt quan tâm, trong đó có Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao.
Theo Trung tướng Độ, liêm chính của công chức, đặc biệt là của thẩm phán là rất quan trọng; lương của thẩm phán phải rất cao thì người ta mới độc lập được.
“Liêm chính phải được xây dựng và nuôi dưỡng. Nếu Nhà nước không nuôi dưỡng tốt thì dễ đương sự nuôi dưỡng lắm!” - nguyên phó chánh án TAND Tối cao ví von.
Trung tướng Trần Văn Độ.
Một điểm quan trọng, bộ quy tắc phải làm rõ mục đích làm thế nào để nâng cao uy tín, lòng tin của người dân vào hệ thống tư pháp nói chung và ngành tòa án nói riêng. Thẩm phán phải tự thân mình nâng cao điều này, để người dân khi nào cảm thấy có vấn đề về pháp luật là tìm đến công lý, tức tìm đến tòa án.
Bên cạnh đó, lương tâm của thẩm phán cũng là điều rất quan trọng, nếu không có yếu tố này, hoạt động xét xử sẽ trở nên khô khốc, cứng nhắc. Biểu hiện của lương tâm chính là trình độ, năng lực, kinh nghiệm, trách nhiệm nghề nghiệp, sự từng trải cuộc sống, dám làm dám chịu của chính thẩm phán.
“Chúng ta phải làm sao để tính chính trực của thẩm phán được nâng lên nhưng đừng để chính trực thì lại bị thiệt thòi” - Trung tướng Độ nói.
Cũng theo nguyên phó chánh án TAND Tối cao, ngoài năng lực và trình độ, thẩm phán phải có bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng, dũng cảm ra phán quyết khi đúng đắn và thừa nhận sai sót để tránh oan, sai. Thực tế, có những trường hợp bị can thiệp dẫn tới phán quyết sai nhưng thẩm phán lại không dám bày tỏ ý kiến; hoặc phán quyết oan, sai nhưng không dám thừa nhận sai lầm vì sợ xin lỗi, bồi thường,…
Bảy chuẩn mực đạo đức của thẩm phán Theo dự thảo lần hai bộ quy tắc đạo đức thẩm phán, có bảy chuẩn mực về đạo đức mà thẩm phán cần tuân thủ. Cụ thể: 1. Tính độc lập; 2. Sự vô tư, khách quan; 3. Sự liêm chính; 4. Sự công bằng, bình đẳng; 5. Sự đúng mực; 6. Sự tận tụy và không chậm trễ; 7. Năng lực và sự chuyên cần. |