Sau nhiều tháng chờ đợi, ngày 27-4, cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un diễn ra trước sự háo hức và hồi hộp của thế giới. Cuộc gặp lịch sử kết thúc với một loạt điểm nhấn đầy bất ngờ.
Phong thái ấn tượng của Kim Jong-un
Theo Yonhap thì ngay sau khi đoàn xe của Triều Tiên đến Nhà Tự do, phần trên lãnh thổ Triều Tiên ở làng Bàn Môn Điếm thuộc khu phi quân sự liên Triều, ông Kim Jong-un đã đi bộ đến biên giới hai miền gặp ông Moon. Hai ông đã có cái bắt tay lịch sử như một biểu tượng nối liền hai bờ Nam Bắc của đường biên giới.
Ông Kim trở thành lãnh đạo Triều Tiên đầu tiên trong lịch sử bước qua biên giới liên Triều kể từ sau hiệp định đình chiến năm 1953. Nhà lãnh đạo trẻ tuổi cũng thịnh tình mời ông Moon bước sang phần đất Triều Tiên như một biểu tượng hòa giải. Sau vài giây, hai ông cùng nắm tay quay lại phần đất Hàn Quốc, tiến đến Nhà Hòa bình để dự buổi duyệt binh danh dự. Ông Moon khi trao đổi với truyền thông trước khi bắt đầu cuộc gặp thượng đỉnh đã hoan nghênh hành động “đầy dũng khí” này của ông Kim. Màn chào hỏi ngoại giao nói trên đã biến đường phân giới quân sự trở thành biểu tượng của hòa bình.
Không chỉ ông Moon, hành động “đầy dũng khí” của ông Kim đã khiến nhiều nhà báo, đặc biệt các nhà báo nước ngoài bất ngờ. Yonhap dẫn lời một số nhà báo Nga, Bulgaria, Trung Quốc cho biết họ ấn tượng trước cả hành động của ông Kim lẫn sự xúc động vô bờ của các nhà báo hai nước. Có đến hơn 2.000 nhà báo Triều Tiên, Hàn Quốc và 900 nhà báo quốc tế từ 36 nước đến đưa tin về sự kiện này.
Cái bắt tay lịch sử giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (phải) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại biên giới liên Triều sáng 27-4. Ảnh: REUTERS
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (phải) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự lễ duyệt binh hữu nghị tại Nhà Hòa bình trong làng đình chiến Bàn Môn Điếm. Ảnh: REUTERS
Lời hứa kỷ nguyên mới không tên lửa
Tuyên bố ngắn trước khi bắt đầu gặp thượng đỉnh, ông Kim Jong-un khẳng định muốn viết một chương mới, tạo khởi đầu mới cho quan hệ liên Triều. Ông hy vọng hai miền sẽ không phải quay lại điểm xuất phát một lần nữa.
Phiên gặp chính thức thượng đỉnh liên Triều kết thúc sau 100 phút đối thoại. Trong thông báo sau khi cuộc gặp kết thúc, Văn phòng Nhà Xanh cho biết ông Kim Jong-un đã bất ngờ xin lỗi ông Moon vì “làm gián đoạn giấc ngủ” của ông và nhân dân Hàn Quốc với các vụ thử hạt nhân và tên lửa trong năm 2017. Ông Kim đồng thời cam kết với nhà lãnh đạo Hàn Quốc rằng Triều Tiên “sẽ không làm ông phải thức giấc sớm nữa”.
Chúng tôi muốn tạo một khởi đầu mới. Đã mất 11 năm để điều này xảy ra. Trong lúc đến đây, tôi đã tự hỏi vì sao đã để mất nhiều thời gian như thế. Nhà lãnh đạo Triều Tiên KIM JONG-UN phát biểu ngày 27-4 trong khuôn khổ thượng đỉnh liên Triều |
Thống nhất giải trừ hạt nhân, hướng đến hòa bình
Tuyên bố chung cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều cũng đặt ra hàng loạt mục tiêu tham vọng. Hai nhà lãnh đạo nhất trí với nhau về mục tiêu giải trừ hạt nhân trên toàn bán đảo. Triều Tiên và Hàn Quốc cũng sẽ xúc tiến đối thoại, hướng đến chính thức công bố một hiệp ước hòa bình và chấm dứt tình trạng chiến tranh kéo dài hơn nửa thế kỷ qua.
Trước mắt, kể từ ngày 1-5, mọi hoạt động tuyên truyền của hai nước tại khu vực biên giới sẽ được chấm dứt. Hai nước sẽ hợp tác giảm căng thẳng quân sự ở bán đảo Triều Tiên. Các bên lên kế hoạch tổ chức đối thoại bộ trưởng quốc phòng vào tháng tới. Một văn phòng liên lạc chung liên Triều sẽ được thành lập ở TP Kaesong, Triều Tiên để thúc đẩy đối thoại và giảm căng thẳng. Các bên cũng ráo riết giải quyết các vấn đề tồn đọng trong quan hệ nhân dân hai nước, cụ thể là vấn đề đoàn tụ những gia đình bị chia cắt bởi chiến tranh.
Đặc biệt, ông Moon Jae-in đã đưa ra lời hứa sẽ đến thăm Bình Nhưỡng vào mùa xuân tới. Tuy nhiên, theo đánh giá của truyền thông quốc tế, các mục tiêu hai nhà lãnh đạo đặt ra trong tuyên bố chung dẫu đầy tham vọng nhưng giải pháp hiện thực hóa chúng vẫn còn là những ẩn số lớn, theo Reuters.
Nhà Trắng khuya 26-4 (giờ Mỹ) ra tuyên bố về cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều ngày 27-4. “Chúng tôi chúc người dân trên bán đảo Triều Tiên nhiều sức khỏe. Chúng tôi hy vọng các cuộc đối thoại sẽ đạt được hòa bình và thịnh vượng trong tương lai cho toàn bộ bán đảo. Mỹ đánh giá cao sự hợp tác chặt với đồng minh Hàn Quốc và mong được tiếp tục bàn bạc chuẩn bị cho cuộc gặp đã được lên kế hoạch trước giữa Tổng thống Donald Trump và ông Kim Jong-un trong vài tuần tới” - thông cáo cho biết. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng hoan nghênh bước đi lịch sử của hai miền Triều Tiên, xem đây là một cơ hội tiến tới hòa bình và ổn định lâu dài cho bán đảo Triều Tiên. Trong khi đó, Nhật Bản cho biết cần thiết phải có hành động thực chất để giải trừ hạt nhân Triều Tiên. Phía Tokyo nhắc rằng các cuộc đối thoại trong quá khứ dẫu đáng hoan nghênh vẫn không hiện thực hóa được mục tiêu chấm dứt chương trình hạt nhân, tên lửa Triều Tiên. |