Từ 4 giờ chiều 26-7 (giờ địa phương) đã có 2.962 nhà báo và nhân viên truyền thông có mặt tại trung tâm báo chí do chính phủ Hàn Quốc lập ở Goyang, bắc Seoul riêng dành đưa tin về cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều. Trong số này có 900 nhà báo quốc tế đến từ 36 nước khác.
Trung tâm báo chí này rộng 10.000 m2, gần bằng diện tích một sân vận động bóng đá, có hơn 1.000 chỗ ngồi ở phòng họp chính.
Các nhà báo tập trung tại trung tâm báo chí do Hàn Quốc lập ở Goyang, bắc Seoul riêng dành đưa tin về cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều. Ảnh: YONHAP
Hiện Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã bắt đầu cuộc gặp thượng đỉnh ở Nhà Hòa Bình thuộc phần đất Hàn Quốc ở làng Bàn Môn Điếm thuộc khu phi quân sự liên Triều.
Sau khi đi xe đến làng Bàn Môn Điếm, ông Kim đã xuống xe bước bộ qua đường phân giới quân sự chia cách hai miền, tiến vào đất Hàn Quốc. Sau khi có cú bắt tay lịch sử với ông Moon, ông Kim đã mời ông Moon bước sang phần đất Triều Tiên trong vài giây như một biểu tượng hòa giải, sau đó cùng nắm tay bước lại sang phần đất Hàn Quốc và tiến vào Nhà Hòa Bình bắt đầu cuộc gặp. Hành động này của ông Kim đã khiến nhiều nhà báo bất ngờ.
“Điều làm tôi ấn tượng nhất là phản ứng của các nhà báo liên Triều khi ông Kim và ông Moon bắt tay nhau lần đầu tiên. Bạn có thể cảm nhận được sự khác nhau trong không khí ở phía bắc và phía nam. Cảnh các nhà báo nước ngoài quan sát phản ứng của các nhà báo hai miền… thật là một cảm xúc quá ấn tượng” - theo nhà báo Martin Dimitrov của tờ Capital Weekly (Bulgaria).
“Dù là một người nước ngoài nhưng thật lòng tôi thấy rất hạnh phúc khi nhìn thấy hai ông Moon và Kim gặp nhau, nhìn họ bắt tay và cười với nhau” - nhà báo Ibrahim Ahmaid làm việc cho kênh truyền hình Russia Today cho biết.
“Tôi ngạc nhiên khi nhìn thấy lãnh đạo Triều Tiên khi ông ấy mời Tổng thống Moon đi sang bên phần đất Triều Tiên, đó là một thời khắc gây sững sờ. Nói thật tôi gần như rơi nước mắt khi nhìn thấy cảnh tượng lịch sử này” - nhà báo Ahmaid nói thêm.
Cú bắt tay lịch sử giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và lãnh đạo Kim Jong-un tại làng Bàn Môn Điếm sáng 27-4. Ảnh: REUTERS
Cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều bàn về giải trừ hạt nhân, thiết lập hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên. Theo Yonhap, nhiều nhà báo nước ngoài chia sẻ với nhau sự lạc quan về cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần này. Tuy nhiên, vẫn có một số nhà báo thận trọng rằng cuộc gặp một ngày này không đủ để tháo gỡ bế tắc đã tồn tại hàng thập niên.
“Chúng tôi đến Hàn Quốc một tuần trước với nửa hy vọng nửa lo ngại. Chúng tôi vẫn mong chờ kết quả tích cực” - Yonhap dẫn lời một nhà báo truyền hình Trung Quốc đề nghị không nêu tên, cho rằng đây có thể là cơ hội cuối cùng cho hai miền giải quyết các vấn đề tồn tại giữa hai bên cũng như vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Tuy nhiên, nhà báo Trung Quốc này vẫn lo ngại hệ lụy sẽ xảy ra nếu cuộc gặp không có được kết quả như hy vọng.
Theo một số nhà báo, kết quả lớn nhất của cuộc gặp có thể chỉ là tạo được không khí tích cực cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Kim và Tổng thống Mỹ Donald Trump vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6.