Thượng đỉnh liên Triều và cơ hội lịch sử

Cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều mà cả thế giới chờ đợi diễn ra vào 9 giờ 30 sáng nay (giờ địa phương) tại Nhà Hòa bình nằm trên lãnh thổ của Hàn Quốc ở làng Bàn Môn Điếm, bên trong khu vực phi quân sự liên Triều.

Bước qua ranh giới lịch sử

Họp báo ngày 26-4, Chánh Văn phòng Nhà Xanh Im Jong-seok cho biết lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ đi bộ qua biên giới liên Triều để gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Như vậy, ông Kim Jong-un sẽ là lãnh đạo Triều Tiên đầu tiên bước qua biên giới liên Triều kể từ sau cuộc chiến tranh Triều Tiên. Đó sẽ là một bước đi lịch sử.

Chính phủ Seoul và Bình Nhưỡng đã thống nhất truyền hình trực tiếp cuộc gặp thượng đỉnh, cả chi tiết ông Kim Jong-un bước qua đường ranh giới. Nhiều nhà quan sát nhận định ông Kim Jong-un muốn nhân sự kiện này thay đổi hình ảnh khép kín của Triều Tiên và bản thân trước thế giới.    

Hai miền bán đảo Triều Tiên đã cùng có các bước đi tạo không khí tích cực cho cuộc gặp gỡ quan trọng lần này. Từ đầu tuần, quân đội Hàn Quốc đã cho ngưng hoạt động phát thanh tuyên truyền ở khu vực biên giới nhằm tạo không khí hòa giải. Các cuộc tập trận thường niên của Hàn Quốc và Mỹ đã bắt đầu từ ngày 1-4 nhiều khả năng sẽ tạm ngưng trong ngày diễn ra cuộc gặp. Cuối tuần trước, Triều Tiên cũng tuyên bố sẽ ngưng thử hạt nhân, tên lửa, đóng cửa điểm thử hạt nhân và ngưng loa tuyên truyền.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ làm nên lịch sử khi bước qua đường biên giới liên Triều vào ngày 27-4. Ảnh: AP

Phái đoàn tháp tùng Tổng thống Moon Jae-in gồm có: Cố vấn an ninh quốc gia Chung Eui-yong; Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Suh Hoon; Bộ trưởng Bộ Thống nhất Cho Myoung-gyon; Bộ trưởng Quốc phòng Song Yuong-moo; Ngoại trưởng Kang Kyung-wha; Chánh Văn phòng Nhà Xanh Im Jong-seok; Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo.

Trong khi đó, chín quan chức hàng đầu Triều Tiên tháp tùng ông Kim Jong-un đến cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều sẽ bao gồm các lãnh đạo cấp cao đảng Lao động Triều Tiên, quân đội và chính phủ. Trong số này có ông Kim Yong-nam - Chủ tịch Đoàn chủ tịch Hội đồng nhân dân Tối cao Triều Tiên và em gái ông Kim Jong-un là cô Kim Yo-jong. Cả hai từng công du sang Hàn Quốc và được Tổng thống Moon Jae-in tiếp trọng thể.

Đặc biệt, phái đoàn Triều Tiên còn có sự tham gia của Tổng Tham mưu trưởng Ri Myong-su, Bộ trưởng Các lực lượng vũ trang Pak Yong-sik và Bộ trưởng Ngoại giao Ri Yong-ho. Triều Tiên chưa bao giờ đưa các lãnh đạo quân đội và ngoại giao đến hai cuộc gặp thượng đỉnh trước đó vào năm 2000 và 2007. Theo Nhà Xanh, đây là tín hiệu cho thấy Triều Tiên xác định sẽ bàn bạc thực chất về giải trừ hạt nhân và duy trì hòa bình lâu dài.

655 cuộc đối thoại liên Triều đã diễn ra từ sau khi hai miền ký hiệp định đình chiến, trong đó gần 55% diễn ra ở làng Bàn Môn Điếm, theo thống kê của Bộ Thống nhất Hàn Quốc. 

Hai “đội hình” hùng hậu

Hai tháng sau khi nhậm chức, ông Moon Jae-in cam kết sẽ theo đuổi vấn đề giải trừ hạt nhân Triều Tiên với sự đảm bảo về an ninh cũng như các lợi ích về kinh tế, ngoại giao, tuyên bố thúc đẩy hòa bình và không ủng hộ thống nhất bằng vũ lực. Theo nhiều nhà quan sát, cuộc gặp sắp đến là thách thức rất lớn với ông Moon Jae-in cùng niềm tin rằng Hàn Quốc có thể dẫn đầu nỗ lực quốc tế trong đàm phán với Triều Tiên.

Là người kế thừa chính sách “Hướng dương” của hai người tiền nhiệm ôn hòa Kim Dae-jung và Roh Moo-hyun nhưng tình cảnh của ông Moon Jae-in hiện khó khăn hơn khi Triều Tiên đã có vũ khí hạt nhân. Ông Moon sẽ gian nan hơn trong thuyết phục người dân Hàn Quốc chịu gắn kết với Triều Tiên.

Một mục tiêu nữa với ông Moon Jae-in là duy trì không khí tích cực cho cuộc gặp thượng đỉnh Triều Tiên-Mỹ. Muốn thế, ông phải thuyết phục được ông Kim Jong-un đồng ý với viễn cảnh giải trừ hạt nhân tiệm cận với viễn cảnh Hàn Quốc và Mỹ nghĩ đến. Mọi việc có thể đổ vỡ nếu ông Kim Jong-un không đồng ý, muốn có sự nhượng bộ lớn hơn, hoặc yêu cầu đền đáp ngay khi Triều Tiên hoàn thành từng bước giải trừ chứ không đợi đến lúc giải trừ hoàn toàn.

Cây thông hòa bình

Sau cuộc gặp thượng đỉnh, hai nhà lãnh đạo sẽ cùng trồng một cây thông ở đường ranh giới quân sự theo đề nghị của phía Hàn Quốc như một biểu tượng cho mong ước hòa bình. Hai bên đã thống nhất chọn một cây thông mọc từ năm 1953 - năm thỏa thuận đình chiến được ký. Địa điểm trồng gần con đường nơi ông Chung Ju-yung, “cha đẻ” của Tập đoàn Hyundai, cuối thập niên 1990 đã dẫn đầu đoàn xe tải chở bò sang tặng Triều Tiên như một nỗ lực hòa giải dân tộc.

Đất được trồng được lấy từ núi Halla ở Hàn Quốc và từ núi Baekdu ở Triều Tiên. Ông Kim Jong-un sẽ tưới cây bằng nước lấy từ sông Hàn ở Hàn Quốc và ông Moon Jae-in sẽ tưới bằng nước lấy từ sông Đại Đồng ở Triều Tiên. Tên hai lãnh đạo sẽ được khắc vào tảng đá đặt trước cây cùng dòng chữ: “Cây hòa bình và thịnh vượng”. Sự kiện trồng cây này cũng từng diễn ra trong cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ hai năm 2007 giữa Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il.           

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm