Khuya 2-7, 12 cầu thủ đội bóng nhí có tên Lợn rừng của Thái Lan, từ 11 đến 16 tuổi, cùng một huấn luyện viên 25 tuổi đã được tìm thấy còn sống sau chín ngày mắc kẹt trong hang động ngập nước Tham Luang ở tỉnh Chiang Rai, Thái Lan.
Để cứu hộ đội bóng nhí này, một chiến dịch quốc tế đã được thành lập với sự dẫn đầu của khoảng 132 binh sĩ thuộc lục quân, lực lượng đặc nhiệm hải quân và cảnh sát Thái Lan, 17 lính không quân Mỹ, một toán thợ lặn Anh và hàng chục chuyên gia đến từ Úc, Trung Quốc, Nhật.
“Phải chắc chắn họ biết tụi mình đang rất đói”
Đó là lời của một cậu bé nhắc bạn mình nói với các nhân viên cứu hộ khiến ai nấy đều phải xót xa. Các thợ lặn người Anh chính là những người đầu tiên tìm thấy đội bóng nhí. Các cậu bé được tìm thấy ngồi trên một bờ đá cách mặt nước 2 m, nằm sâu 5 km tính từ cửa hang động vào. Một thợ lặn cho biết các cậu bé “rất yếu nhưng còn sống”. Gặp các chuyên gia lặn, các cậu bé hỏi hôm nay ngày mấy, liệu có thể rời hang động ngay chưa, rằng mình rất đói.
Trước mắt đội bóng đã được cung cấp thức ăn, nước uống và được kiểm tra sức khỏe, bước đầu xác định hai cậu bé bị thương nhẹ. Bên cạnh đội bóng trong thời gian chờ giải cứu luôn có bốn thợ lặn, phòng hỗ trợ khi cần thiết.
Sáng qua (3-7), ông Narongsak Osottanakorn, Tỉnh trưởng tỉnh Chiang Rai, cho biết công tác cứu hộ giờ chuyển sang tập trung giai đoạn giải cứu. Công tác giải cứu vẫn chưa bắt đầu được vì điều kiện quá nguy hiểm của hang động, vừa ngập nước, ngập bùn, nơi các cậu bé ẩn náu lại cách quá xa cửa hang. Trước mắt, theo phóng viên CNN tại hiện trường, các cậu bé vẫn sẽ chưa được đưa ra trong vòng 48 tiếng đồng hồ tới.
Dàn máy bơm vẫn hoạt động hết công suất từ nhiều ngày nay, bơm được khoảng 1,6 triệu lít nước ra khỏi hang động mỗi giờ, tương đương giảm 1 cm mực nước hang động mỗi giờ. Tuy nhiên, chỉ nhờ vào các máy bơm thì sẽ khá lâu vì mưa lớn liên tục.
Đội bóng nhí Lợn rừng của Thái Lan. Ảnh: CNN
Cha mẹ các cầu thủ nhí chia sẻ niềm vui tột cùng bên ngoài hang động Tham Luang khuya 2-7, sau chín ngày hồi hộp chờ tin tức con mình. Ảnh: GETTY IMAGES
Chờ nước rút hay dạy bọn trẻ lặn?
Có hai phương án đang được cân nhắc: Chờ nước rút hoặc dạy lặn cho bọn trẻ và hỗ trợ chúng lặn ra khỏi hang động. Phương án nào cũng có điểm yếu. Chờ nước rút thì phải mất hàng tháng.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia quốc tế về lặn trong hang động từ Mỹ, Úc cảnh báo việc để đội bóng nhí lặn ra ngoài trong điều kiện mực nước cao hiện tại là “sự nguy hiểm không thể hình dung được” không chỉ với bọn trẻ mà cả với các thợ lặn hỗ trợ chúng.
Theo ông Butch Hendrick, một thợ lặn kỳ cựu ở Mỹ, điểm quan trọng là không một cậu bé nào biết bơi, không gì đảm bảo các cậu bé không sợ nước và có thể sử dụng tốt bộ dụng cụ lặn để duy trì thở.
Chuyên gia lặn quốc tế Edd Sorenson, thuộc tổ chức phi lợi nhuận Lặn và cứu hộ quốc tế (Mỹ), nhận định đội bóng nhí có thể phải ở lại hang động vài tuần nữa, chờ đến khi nước rút đi để an toàn, thay vì mạo hiểm lặn ra khỏi hang động lúc này. Theo ông Sorenson, thậm chí với các thợ lặn chuyên nghiệp, với điều kiện hiện tại trong hang động - tối tăm và nước liên tục dâng - thì lặn ra ngoài cũng “cực kỳ nguy hiểm”. Với các cầu thủ nhí vốn chưa được huấn luyện thì điều này càng nguy hiểm hơn nữa vì “khả năng cực kỳ cao là chúng sẽ trở nên hoảng loạn một khi lặn xuống nước”.
Sẽ mất hàng tuần đến hàng tháng Theo chuyên gia Mirza, với tình hình hiện tại, lực lượng cứu hộ thực sự không thể có phương án tốt nào và phụ thuộc lớn vào thời tiết những tuần tới. Chuyên gia lặn Peter Wolf, Giám đốc Hiệp hội Thợ lặn trong hang động Úc, nhận định chiến dịch giải cứu đội bóng nhí Thái Lan sẽ phải mất hàng tháng, không thể sớm hơn được với tình hình các cậu bé không thể bơi. Chiến dịch giải cứu sẽ kéo dài bao lâu? Theo chuyên gia Mirza, có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tuần, thậm chí đến 2-3 tháng tùy theo tuyến đường cứu hộ. Chuyên gia Wolf cũng cho rằng có thể sẽ kéo dài hàng tháng vì phải đợi nước rút. Với chuyên gia Hendricks thì có thể sẽ chỉ kéo dài từ hai tuần đến trên dưới một tháng. Chuyên gia lặn cứu hộ Anmar Mirza, thành viên Ủy ban Lặn Cứu hộ Quốc gia Mỹ, cũng cho rằng đây là phương án nguy hiểm nhất khi bọn trẻ chưa có kinh nghiệm hay hiểu biết về lặn. Ông cũng đồng tình phương án chờ nước rút hoặc tìm lối vào khác khô ráo hơn. |