Theo The Nation, trong một thông cáo ngày 4-7, NPCT đề nghị giới truyền thông trong và ngoài nước nên bình tâm chờ để phỏng vấn các nạn nhân và gia đình họ vào thời điểm thích hợp. Việc này là nhằm tránh cho các thiếu niên trên phải mệt mỏi nhắc đi nhắc lại các câu trả lời và dành thời gian phục hồi sức khỏe thể chất và tinh thần.
NPCT cũng kêu gọi giới truyền thông cập nhật tin tức một cách cẩn trọng, tránh chạy đua tin tức làm ảnh hưởng đến các quyền và sự riêng tư của những người liên quan.
Đông đảo PV các cơ quan, báo đài đến đưa tin vụ giải cứu đội bóng nhí Thái Lan. Ảnh: The Nation
NPCT cũng đề nghị báo giới tham khảo các bác sĩ và chuyên gia tâm lý để có hiểu biết tốt hơn nhằm tránh đưa ra các câu hỏi không phù hợp và ứng xử với các nạn nhân cùng gia đình một cách đúng mực, không gây ra sự hiểu nhầm, chia rẽ hay các sang chấn tâm lý khác. NPCT cảnh báo việc “đào xới” các thông tin và hình ảnh có thể xâm phạm các quyền lợi của nạn nhân.
Trước đó, một số phóng viên đã cố tìm thân nhân của các thành viên đội bóng để phỏng vấn và chụp ảnh khiến nhà chức trách phải đặt ra các biển cấm và đưa những người này sang một khu vực cách ly.
Trong khi đó, người phát ngôn và Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp Thái Lan Thawatchai Thaikhiew cảnh báo Đạo luật Bảo vệ trẻ em của nước này cấm bất kỳ ai đăng phát những thông tin về trẻ em và cha mẹ của các em với ý đồ gây tổn hại. Ông kêu gọi giới truyền thông cẩn trọng khi phỏng vấn các thành viên đội bóng bởi các em vừa mới trải qua một sang chấn tinh thần, nên các câu phỏng vấn phải tránh ảnh hưởng đến tâm lý.
Ông nói rằng việc đưa những câu hỏi gây ảnh hưởng xấu sẽ bị xem là hành động vi phạm pháp luật, đồng thời kêu gọi các phóng viên chờ cho các em nghỉ ngơi đầy đủ và sau khi được điều trị đến lúc sẵn sàng tiếp xúc truyền thông.
Hội đồng Báo chí Thái Lan cũng đồng thời ca ngợi các đơn vị truyền thông đã có những bài viết, dẫn dắt câu chuyện một cách cân bằng, rõ ràng, chính xác và sát với thực tế.
Về phần mình, Hội đồng Cứu hộ Hang động Anh (BCRC)- cũng tham gia chiến dịch giải cứu đội bóng Lợn Rừng- cho biết tổ chức này có chính sách không tiết lộ danh tính những người tham gia cứu hộ dù một số người đã được nêu danh trên báo chí. BCRC nói rằng cần tôn trọng quyền riêng tư của những người tham gia cứu hộ nhằm giúp họ không bị phân tâm khi thực hiện sứ mệnh khó khăn này.
Các thành viên đội bóng Lợn Rừng mắc kẹt trong hang. Ảnh: The Guardian
Đã gần 3 ngày kể từ lúc phát hiện đội bóng nhí còn sống tại hang động Tham Luang, tỉnh Chiang Mai nhưng lực lượng cứu hộ vẫn chưa quyết được phương án đưa các cậu bé ra ngoài, dù nhà vua Thái Lan đã có chỉ đạo đẩy nhanh công tác giải cứu.
Đội giải cứu có thể đưa các cầu thủ ra ngoài bằng cách dạy lặn, khoan lỗ trên trần hang, hoặc chờ nước rút trong vài tháng. Hiện cho các cậu bé lặn ra ngoài đang là phương án được cân nhắc nhiều nhất. Các cậu bé cũng đã và đang tích cực được hướng dẫn cách sử dụng bộ dụng cụ lặn, tập thở, bơi, lặn để chuẩn bị cho khả năng lặn ra ngoài. Tuy nhiên quyết định chính thức và thời gian cụ thể bắt đầu chưa được xác định.