Lào xây đập, Campuchia lãnh đủ

Công trình thi công đập thủy điện Don Sahong của Lào cần dừng lại đến khi có đầy đủ thông tin về tác động của dự án này, đặc biệt là số phận của các loài cá di cư mỗi năm qua hẻm nước Hou Sahong của Lào. Ngày 17-11, tổ chức phi chính phủ Liên minh Bảo vệ sông Mekong (Save the Mekong Coalition) đã gửi thư ngỏ đưa ra lời kêu gọi như trên cho các đơn vị phát triển dự án đập Don Sahong.

Chỉ còn năm con cá heo

Lào bắt đầu xây dựng đập thủy điện Don Sahong vào tháng 10-2015. Đập cao 30 m, dài 7 m, được xây dựng tại Siphan Don thuộc tỉnh Champasak (Nam Lào), cách biên giới Campuchia chỉ 1.500 m.

Công ty Mega First Corporation Berhad của Malaysia là đơn vị phát triển dự án. Nhà thầu phụ trách thi công là Công ty Sinohydro ở Trung Quốc (chuyên xây dựng đập thủy điện).

Dự kiến đập Don Sahong sẽ sản xuất 260 MW điện. Với công suất như thế, đây chỉ là dự án nhỏ so với nhiều đập khác như đập Xayaburi (1.285 MW) của Lào. Tuy nhiên, vị trí xây đập mới là vấn đề đáng quan tâm.

Đập Don Sahong sẽ chắn ngang dòng chảy chủ yếu của sông Mekong, con sông được xem là nguồn sống của các nước Đông Nam Á.

Trong bài viết với đầu đề “Cá heo bị đe dọa vì xây đập Don Sahong”, trang tin tức Channel NewsAsia của Singapore ngày 18-11 ghi nhận hiện chỉ còn 80 con cá heo trên dòng Mekong so với 200 con vào năm 1997. Còn trên đoạn sông Champasak của Lào chảy qua Campuchia, cá heo chỉ còn tối đa năm con.

Đập Don Sahong ở tỉnh Champasak (Nam Lào). Ảnh: CHANNEL NEWSASIA

Cá bị chặn đường sinh sản

Ngoài nguy cơ cá heo bị đe dọa, đập Don Sahong còn chặn đường di cư của nhiều loài cá ở Việt Nam và Campuchia ngược dòng lên thượng nguồn ở Lào sinh sản, đồng thời góp phần hủy hoại nặng nề sinh thái địa phương.

Việt Nam, Campuchia và Thái Lan đã đề nghị Lào nghiên cứu thêm về dự án đập Don Sahong, dù vậy Lào vẫn khởi công xây dựng.

Nhiều người dân ở Lào tức giận phản đối đập Don Sahong nhưng họ ít có phương tiện để bày tỏ. Một người dân giấu tên bộc bạch: “Chúng tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra, không biết nhà chúng tôi có bị ngập hay không. Họ nói với chúng tôi là không ngập nhưng làm sao chúng tôi biết điều đó”.

Dân địa phương sẽ phải di dời, mất đất canh tác và mất nguồn thu nhập từ du lịch sinh thái từ du khách đến xem cá heo.

Lok Chanthu, Phó Giám đốc Công ty Du lịch sinh thái Onlong Psoat, chia sẻ: “Chúng tôi không thấy xây đập có lợi ích gì. Người dân Campuchia cũng là nạn nhân của con đập”.

Campuchia lo ngại an ninh lương thực

Tek Vannara thuộc Diễn đàn Các tổ chức phi chính phủ ở Campuchia bày tỏ: “Chúng tôi lo ngại tác động tiêu cực đến an ninh lương thực của người dân Campuchia. 70%-80% người dân sống phụ thuộc vào nông nghiệp, tài nguyên sông ngòi và đánh bắt cá”.

Báo Cambodia Daily (Campuchia) ghi nhận tại Campuchia, cư dân ở xã Preah Rumkel thuộc huyện Thala Barivat (tỉnh Stung Treng giáp giới Lào) rất lo ngại đập Don Sahong bên Lào sẽ ảnh hưởng đến hệ động vật địa phương. Họ đã đề nghị ngừng xây đập nhưng vô ích. Điều họ lo ngại nhất là sau khi cá heo biến mất, nguồn thu từ du lịch cũng mất theo.

Bộc bạch với báo Khmer Times, bà Dam Chan, 55 tuổi, nói: “Cá không còn thì chúng tôi lấy gì ăn? Cá heo đi hết thì cũng không có du khách nào tới”.

Hồi nhỏ, bà đã từng thấy 20-30 con cá heo đùa giỡn mỗi ngày, nay chỉ còn vài ba con. Tiếng nổ mìn xây đập bên Lào đã xua đuổi cá heo trôi dạt đi nơi khác và làm nguồn nước bẩn hơn. Ngư dân Campuchia phải đi xa hơn để đánh bắt cá.

Lào chuẩn bị xây con đập thứ ba

Channel NewsAsia ghi nhận đến nay không có đánh giá tác động môi trường xuyên biên giới nào được thực hiện đối với dự án đập Don Sahong để đo lường tác động xảy ra đối với hạ lưu sông Mekong, nơi có hồ nước ngọt Tonle Sap (Campuchia) lớn nhất Đông Nam Á và vựa lúa trù phú của Việt Nam.

Bà Maureen Harris, Giám đốc chương trình Đông Nam Á của tổ chức Sông ngòi quốc tế (International Rivers) ở Mỹ, ghi nhận quá trình tham vấn trước đó về hai đập thủy điện Xayaburi và Don Sahong của Lào đã không tính đến tác động với cư dân sống ở hạ lưu.

Báo Bangkok Post ngày 17-11 đã đăng bài viết của bà với đầu đề “Các dự án xây đập ở Lào gây nguy hiểm cho toàn khu vực”.

Bài viết ghi nhận cách đây hai tháng, Lào đã thông báo với Ủy hội Sông Mekong về dự án xây dựng đập Pak Beng, dự án xây đập thứ ba trên sông Mekong. Bà Maureen Harris đã bày tỏ lo ngại về dự án mới này bởi hai dự án Xayaburi và Don Sahong đều bị phản đối. Ngoài ra còn có thông tin cho thấy Lào sẽ tiếp tục xây thêm con đập thứ tư Xanakham.

Thư ngỏ ngày 17-11 của Liên minh Bảo vệ sông Mekong đánh giá đập Don Sahong có công suất thấp nhưng có thể tác động quan trọng đến nghề cá khu vực. Đập sẽ hủy hoại an ninh lương thực của nhiều ngàn người ở hạ lưu sông Mekong sống nhờ các loài cá di cư qua hẻm nước Hou Sahong trên vùng thác Khone.

Thư ngỏ nhắc đến những quan ngại của chính phủ các nước sông Mekong đã bày tỏ trong quá trình tham vấn trước khi xây đập Don Sahong theo Hiệp định Về hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mekong ký kết năm 1995. Tuy nhiên, Lào vẫn thi công đập Don Sahong mà không minh bạch thông tin hay giải đáp nghi vấn.

Thư ngỏ nhận xét dự án đập Don Sahong không thực hiện các biện pháp nêu trong đánh giá tác động môi trường năm 2013 của dự án, gồm tạo lối an toàn cho 95% các loài cá mục tiêu trong mọi điều kiện của dòng chảy theo yêu cầu của Ủy hội Sông Mekong, lập màn chặn cá và điều hướng cá tránh hẻm nước Hou Sahong nhằm giảm cá bơi vào tuabin của đập.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm