StM gồm khoảng 55 tổ chức về bảo vệ môi trường, nguồn nước trên thế giới.
Theo StM, các đập thủy điện trên dòng chính Mê Kông là mối đe dọa lớn nhất đối với các vùng đất ngập nước, nguồn lợi thủy sản và sinh kế địa phương hạ lưu sông Mê Kông.
Liên minh này cho rằng, thủy điện sẽ phá hủy môi trường đa dạng sinh học và hiệu suất kinh tế của dòng Mê Kông. Cụ thể, nếu tất cả 11 dự án thủy điện được xây dựng, tổn thất tài nguyên cá ước tính lên tới 550.000-880.000 tấn, tương đương 26-42% sản lượng cá hiện tại của dòng Mê Kông. Những tổn thất này sẽ đe dọa trực tiếp đến an ninh lương thực và sinh kế của người dân trong lưu vực.
Bên cạnh đó, các đập thủy điện trên nếu được xây dựng sẽ tác động đến đời sống văn hóa, an ninh lương thực cho 40 triệu người dân vùng hạ lưu Mê Công. Trong đó, có trên 106.000 người chịu tác động trực tiếp buộc phải di cư và có thể rơi vào tình trạng đói nghèo.
Sông Mê Kông bắt nguồn từ phía đông cao nguyên Tây Tạng đến Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Đây là con sông lớn thứ 10 thế giới, với tổng diện tích lưu vực 795.000 km2. Ở vùng nội địa hạ lưu cong sông này có nghề cá nước ngọt lớn nhất thế giới, với sản lượng khoảng 3,9 triệu tấn/năm và tổng giá trị 3,9 tỉ USD. Riêng ở Thái Lan và Việt Nam thủy sản sông Mê Công đóng góp hơn 750 triệu USD vào GDP của hai nước mỗi năm.
Sông Mê Kông cũng là một trong những khu vực năng động nhất thế giới về phát triển thủy điện. Trong 20 năm qua có hơn 3.235 MW công suất thủy điện đã được lắp đặt trên các h sông nhánh của lưu vực. Theo đánh giá, sông Mê Kông có tiềm năng thủy điện lên đến 30.000 MW, tức hiện chỉ khai thác khoảng 10%. Theo Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam, áp lực tăng dân số và nhu cầu phát triển kinh tế, các dự án thủy điện trên dòng chính và dòng nhánh Mê Kông gần đây phát triển mạnh, nhu cầu lấy nước tưới, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, giao thông thủy… đang ảnh hưởng bất lợi đến môi trường sinh thái dòng sông
StM cũng đánh giá, sông Mê Kông không còn như cách đây bốn năm khi Hội nghị Thượng đỉnh MRC lần đầu tiên diễn ra tại Hủa Hỉn, Thái Lan. Dự án đập đầu tiên trên dòng chính sông Mê Kông (thủy điện Xayaburi) đã được xây dựng bất chấp những tranh cãi trong cũng như không đạt được sự đồng thuận giữa các quốc gia hạ lưu Mê Kông. “Chúng tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo hủy bỏ tất cả các dự án đập trên dòng chính sông Mê Kông, bao gồm việc dừng xây dựng ngay lập tức đập Xayaburi và Don Sahong cũng như các dự án mang lại tác động nghiêm trọng trên dòng nhánh như thủy điện hạ Sesan 2. Đồng thời, chúng tôi kêu gọi lãnh đạo các quốc gia thành viên MRC có những thảo luận về cơ chế pháp lý nhằm tăng cường hợp tác khu vực, bao gồm việc đánh giá môi trường xuyên biên giới và đối thoại công khai” - StM viết.
MINH PHONG