Sáng 3-6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã không bỏ qua cơ hội làm áp lực với Trung Quốc về biển Đông và Triều Tiên khi phát biểu tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 16 ở Singapore.
Bộ trưởng Mattis minh định rõ, Mỹ dù cảm thấy vui mừng với nỗ lực của Trung Quốc trong kiềm chế Triều Tiên nhưng sẽ không chấp nhận Trung Quốc quân sự hóa biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis phát biểu tại Đối thoại Shangri-La sáng 3-6. Ảnh: REUTERS
“Chính phủ Trump cảm thấy được động viên với việc Trung Quốc cam kết hợp tác với cộng đồng quốc tế tiến đến giải trừ vũ khí hạt nhân. Chúng tôi tin Trung Quốc cuối cùng sẽ nhận ra Triều Tiên là một gánh nặng chiến lược chứ không phải một tài sản”.
Kiềm chế chương trình vũ khí Triều Tiên là một ưu tiên an ninh của Mỹ khi Triều Tiên gần đây liên tục thử tên lửa và đe dọa sắp phát triển thành công tên lửa xuyên lục địa mang đầu đạn hạt nhân có khả năng bắn tới nước Mỹ. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Mattis, không chỉ Mỹ mà Triều Tiên cũng là một đe dọa với Trung Quốc.
“Chúng tôi làm việc với Trung Quốc về Triều Tiên vì nó cũng là một vấn đề với Trung Quốc” - theo Bộ trưởng Mattis, cho rằng đe dọa từ Triều Tiên rất “hiện hữu và rõ ràng” khi Triều Tiên đang thúc nhanh tiến trình phát triển vũ khí hạt nhân.
Bộ trưởng Mattis khẳng định việc Trung Quốc hợp tác về Triều Tiên không có nghĩa Mỹ sẽ không thách thức các hành động của Trung Quốc ở biển Đông. Ông khẳng định Mỹ phản đối Trung Quốc đưa vũ khí và khí tài quân sự đến các đảo nhân tạo ở biển Đông.
“Chúng tôi phản đối các nước quân sự hóa các đảo nhân tạo và thực thi các tuyên bố chủ quyền hàng hải quá đáng”.
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây tích cực vận động Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kiềm chế Triều Tiên khiến các đồng minh châu Á lo ngại Mỹ có thể sẽ cho phép Trung Quốc tự do hành động ở các điểm nóng khác trong khu vực. Tuy nhiên, lời khẳng định của Bộ trưởng Mattis cho thấy ông Trump muốn có sự cân bằng giữa việc vận động Trung Quốc kiềm chế Triều Tiên và đối phó với các hoạt động của Trung Quốc ở biển Đông.