Tại Singapore từ ngày 1 đến 4-6 sẽ diễn ra sự kiện thường niên Đối thoại Shangri-La lần thứ 16, một trong các diễn đàn an ninh quan trọng nhất khu vực và thế giới. Tham gia sẽ có các phái đoàn cấp cao từ hơn 50 nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Mỹ sẽ công bố chính sách?
Trong nhiều năm qua, Đối thoại Shangri-La là nơi để Mỹ khẳng định cam kết chiến lược của mình ở châu Á, đưa ra các chính sách nhằm củng cố sự lãnh đạo của Mỹ tại khu vực, trấn an các đồng minh trước các quan ngại an ninh, trong đó bao gồm cả những động thái của Trung Quốc trên biển Đông.
Tuy nhiên, không giống các năm trước, mọi sự chú ý tại Đối thoại Shangri-La sẽ đặc biệt đổ dồn về bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis vào ngày 3-6. Tổng thống Trump không lâu sau khi nhậm chức đã rút Mỹ khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và đã có nhiều dấu hiệu lơ là khu vực. Điều này được nghi là nhằm đổi lại sự ủng hộ từ Trung Quốc cho các nỗ lực kiềm chế Triều Tiên. Các nước trong khu vực, trong đó có không ít đồng minh Mỹ đều có chung một sự hồi hộp, chờ đợi giải mã từ bài phát biểu của ông Mattis những chính sách an ninh của Mỹ dưới thời tân Tổng thống Donald Trump.
Vào tuần qua, Mỹ cũng đã có động thái giải tỏa phần nào các bất an. Tàu khu trục USS Dewey thuộc đội tàu sân bay tấn công USS Carl Vinson đã thực hiện sứ mệnh tuần tra “tự do hàng hải” trên biển Đông lần đầu tiên dưới thời Tổng thống Trump. Tuy nhiên, một chiến lược an ninh cụ thể của chính phủ Tổng thống Trump đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương vẫn còn là ẩn số. Đối thoại Shangri-La chính là cơ hội để Bộ trưởng Mattis thông qua bài phát biểu của mình làm rõ cách tiếp cận của chính phủ Trump đối với châu Á-Thái Bình Dương, cũng như trấn an các đồng minh và đối tác khu vực.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis được chào đón tại Học viện Quân sự West Point ở New York (Mỹ) ngày 27-5, sẽ là trung tâm tại Đối thoại Shangri-La lần này. Ảnh: REUTERS
Đo lường cam kết của Mỹ với khu vực
Một điều đặc biệt nghi ngại nữa là chính phủ của ông Trump sau hơn bốn tháng nhậm chức không những chưa thông báo chính sách rõ ràng với châu Á mà cũng chưa bổ nhiệm đầy đủ các vị trí cấp cao phụ trách khu vực châu Á tại Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao. Theo cựu phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách Đông Á Abraham Denmark, làm rõ chính sách với khu vực và bổ nhiệm các nhân sự cấp cao để cụ thể hóa chính sách là công việc chính phủ Trump cần gấp rút hoàn thành. Điều này sẽ giúp phá tan bầu không khí e dè và lo lắng của các đối tác khu vực đối với Washington.
Trong khi đó, hãng tin Reuters dẫn lời một số quan chức Mỹ khẳng định cam kết của chính phủ Mỹ với khu vực vẫn rất mạnh. Bằng chứng là chuyến công du đầu tiên của Bộ trưởng Mattis đã chọn điểm đến là châu Á, tiếp theo sau là lần lượt các chuyến công du của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và Ngoại trưởng Rex Tillerson. Ông Tillerson sau đó còn có cuộc gặp với quan chức ngoại giao cấp cao các nước ASEAN tại Washington. Bộ Quốc phòng Mỹ mới đây cũng đã đưa ra khẳng định ủng hộ trên nguyên tắc đề xuất của nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, tăng chi tiêu quốc phòng tại châu Á-Thái Bình Dương.
Singapore thắt chặt an ninh Nhiều vụ tấn công khủng bố đã liên tiếp xảy ra thời gian qua tại một số nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia và Philippines. Vì vậy, vấn đề đảm bảo an ninh cho hội nghị Đối thoại Shangri-La đang được Singapore chú trọng hơn bao giờ hết. Tờ Straits Times cho biết cảnh sát sẽ thiết lập hàng loạt chốt chặn đường và kiểm soát an ninh gắt gao tại khách sạn Shangri-La và khu vực lân cận trong suốt thời gian diễn ra hội nghị. Thậm chí người dân còn được khuyến cáo tránh luôn cả các hoạt động như thả diều, bóng bay hay điều khiển máy bay không người lái trong khu vực. __________________________ Khu vực sẽ rất chú ý và nhiệm vụ của Bộ trưởng Mattis là làm rõ chính sách của Mỹ với châu Á-Thái Bình Dương” . Abraham Denmark, cựu phó trợ lý bộ trưởng |