Washington đang tỏ ra lo lắng về triển vọng Ấn Độ - một đồng minh ngày càng quan trọng với Mỹ và cũng là nước nhập khẩu quốc phòng lớn nhất thế giới- mua hệ thống vũ khí mới của Nga, trong đó có hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không tầm xa S-400, theo AFP.
Hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga. Ảnh: AFP
Theo một đạo luật của Mỹ, bất cứ quốc gia thứ ba nào giao dịch với Nga trong lĩnh vực quốc phòng và tình báo đều có thể đối mặt với các lệnh trừng phạt từ Mỹ.
Tuy nhiên, sau nỗ lực vận động của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, Quốc hội Mỹ đã trao quyền cho Tổng thống và Ngoại trưởng được xem xét miễn trừ trừng phạt với những trường hợp nhất định, ví dụ khi một đồng minh của Nga ngả về phương Tây.
Randall Schriver, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề châu Á-Thái Bình Dương, cho hay điều khoản miễn trừ này đã tạo ra quan điểm cho rằng Washington sẽ miễn trừ trừng phạt Ấn Độ trong mọi trường hợp bất kể họ làm gì. "Ở đây có một chút hiểu lầm. Chúng tôi vẫn rất quan ngại nếu Ấn Độ theo đuổi các thương vụ mua vũ khí mới của Nga"- ông Schriver nói.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: AFP
Ông Schriver nói việc Ấn Độ có thể mua S-400 của Nga rất "đáng lo ngại" vì nhiều lý do khác nhau. Bình luận của ông Schriver được đưa ra ngay trước hội nghị thượng đỉnh lịch sử tại New Delhi vào tuần tới giữa Ấn Độ và Mỹ. Vào dịp này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ gặp gỡ hai người đồng cấp của Ấn Độ, thảo luận về mở rộng phạm vi và công phu của các cuộc tập trận chung giữa hai nước.
Những năm gần đây, Mỹ tăng cường quan hệ hợp tác quân sự, ngoại giao với Ấn Độ, một động thái được cho là tạo đối trọng với Trung Quốc trong khu vực. Ấn Độ mặc dù vẫn mua lượng lớn thiết bị quốc phòng từ Mỹ và Pháp, nhưng vẫn phụ thuộc nhiều vào các khí tài quân sự của Nga.