Không ngoài dự đoán, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 8-5 đã tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran mà Mỹ và các nước trong nhóm P5+1 (cùng với Anh, Đức, Pháp, Nga, Trung Quốc) đã ký với Iran năm 2015.
Phát biểu từ Nhà Trắng được truyền hình trực tiếp, ông Trump cho biết sẽ khôi phục các lệnh trừng phạt kinh tế với Iran, để hủy bỏ “một thỏa thuận tồi tệ chỉ có lợi cho một bên mà lý ra không bao giờ nên có”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký tuyên bố về ý định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, tại Nhà Trắng ngày 8-5. Ảnh: REUTERS
Theo thỏa thuận, Iran đồng ý ngưng chương trình hạt nhân, đổi lại sẽ được các nước P5+1 dỡ bỏ trừng phạt. Mục tiêu của thỏa thuận là ngăn chặn Iran phát triển và sở hữu bom hạt nhân.
Ông Trump luôn phản đối thỏa thuận không đủ sức kiềm chế Iran khi không bao gồm chương trình tên lửa nước này. Theo quy định, cứ bốn tháng một lần ông Trump phải xác nhận Iran có tuân thủ đúng thỏa thuận và quyết định có khôi phục lệnh hoãn trừng phạt Iran hay không. Nếu có đồng nghĩa Mỹ tiếp tục duy trì thỏa thuận. Nếu không, các lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran tự động được khôi phục và Mỹ sau 180 ngày kể từ ngày khôi phục trừng phạt được xem như rút khỏi thỏa thuận.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố về ý định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, tại Nhà Trắng ngày 8-5. Ảnh: REUTERS
Bước đi này của ông Trump gây thất vọng lớn cho các nước P5+1, đặc biệt các đồng minh châu Âu. Hai tuần trước khi ông Trump đi đến quyết định này, hết Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến Thủ tướng Đức Angela Merkel lần lượt sang Mỹ thuyết phục ông Trump ở lại với thỏa thuận, nhưng đã không thành công. Chưa kể tới đây Trung Đông có rủi ro sẽ hứng thêm xung đột, nguồn cung và giá dầu toàn cầu sẽ có bất ổn lớn vì quyết định này của ông Trump.