Thương mại Mỹ-Trung: Viễn cảnh ‘luật rừng’

Cuối tháng 5 vừa qua, Mỹ tuyên bố nâng thuế nhập khẩu lên mức 25% đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc (TQ) với tổng giá trị lên tới 50 tỉ USD, đánh dấu rạn nứt không thể hàn gắn qua hai kỳ đàm phán song phương.

Tấn công “Made in China 2025”

Lời cảnh báo trên chính thức có hiệu lực vào ngày 16-6, vài ngày sau khi thượng đỉnh Mỹ-Triều kết thúc. Vào thời điểm đó, đây vẫn là diễn biến gây bất ngờ cho giới quan sát vốn kỳ vọng việc áp thuế sẽ không diễn ra. Những lời đe dọa vẫn được cho là mang dấu ấn cá nhân của riêng ông Trump và TQ được cho đã thành công trong việc tháo ngòi nổ chiến tranh thương mại với chính quyền Trump, cụ thể là việc thu hồi những lệnh cấm có vai trò sống còn với ZTE - tập đoàn sản xuất thiết bị viễn thông đình đám thế giới của TQ.

Việc phát động chiến tranh thương mại vào thời điểm đó cho thấy ông Trump nhận định rằng vấn đề Triều Tiên có thể được giải quyết mà không cần đến can thiệp của TQ và do đó Washington có thể công khai không khoan nhượng Bắc Kinh.

Nhưng đây chắc chắn không phải là nguyên do chính lẫn duy nhất. Chỉ ba ngày sau khi mức thuế trừng phạt TQ được áp dụng, một lời đe dọa mới đã được ông Trump đưa ra, lần này hứa hẹn một viễn cảnh chiến tranh thương mại toàn diện. Mức thuế nhập khẩu lên hàng TQ sẽ được nâng thêm 10 điểm phần trăm, ảnh hưởng lên tới tổng lượng hàng hóa trị giá 200 tỉ USD. Cảnh báo này được đưa ra kèm lời răn đe áp dụng thực tế nếu TQ không gỡ bỏ các biện pháp trả đũa, đồng thời chấm dứt ngay các hoạt động được cho là vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Mục tiêu chính yếu của Mỹ vẫn là chương trình “Made in China 2025”, trong đó TQ thực hiện bảo hộ triệt để, cũng như dung túng cho các hành vi ăn cắp bí mật công nghệ thực hiện bởi doanh nghiệp trong nước. Trong khi đó, việc giảm thâm hụt thương mại với TQ, dù được nhắc đến rộng rãi, chỉ là mục tiêu thứ yếu với Mỹ. Đến nay TQ vẫn chưa nhượng bộ trong tham vọng trở thành cường quốc công nghệ thật sự, không chỉ sản xuất hiệu quả mà còn tự chủ hoàn toàn về sáng tạo công nghệ.

Tổng thống Trump đang đẩy quan hệ Mỹ-Trung vào cuộc chiến lớn. Ảnh: AFP

Phá bỏ trật tự WTO

Nhìn nhận về mục tiêu của Mỹ như trên sẽ hợp lý hơn nếu ông Trump không cùng lúc gây hấn chiến tranh thương mại với nhiều nền kinh tế khác, trong đó đa phần là các đồng minh lâu năm của Mỹ. Ngay từ cuối tháng 5 vừa qua, mức thuế mới lên mặt hàng nhôm và thép vào Mỹ đã được áp dụng lên EU, Mexico và Canada.

Các tường thuật của Business Insider cho biết ngay vào ngày mức thuế nhôm thép mới có hiệu lực, EU đã ngồi lại với Mỹ để thảo luận cách đối phó với các điều kiện chuyển giao công nghệ bất công tại TQ. Châu Âu, Mỹ và Nhật Bản cũng được cho biết là đã thiết lập kênh đối thoại ba bên với tên gọi “Sân chơi bình đẳng toàn cầu” nhằm đối phó với TQ và các vấn đề tồn tại của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Business Insider dẫn lời Lee-Makiyama, Giám đốc Trung tâm Kinh tế chính trị quốc tế châu Âu (ECIPE), cho rằng câu chuyện nhôm thép giữa Mỹ và châu Âu chỉ đáng giá vài tỉ USD, trong khi cả hai đều có mối quan tâm chung là vấn đề lên đến hàng trăm tỉ USD mang tên TQ. Cũng theo Lee-Makiyama, chiến tranh thương mại đối với chính quyền Trump, cũng như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, là những cách tiếp cận khác nhau cùng đối với vấn đề TQ. Lee-Makiyama tỏ ra có lý khi các tường thuật khác cho thấy ông Trump còn có những dự tính táo bạo hơn. Chẳng hạn, ông Trump đã nhắc nhiều về việc rút Mỹ ra khỏi WTO.

Các thông tin này phần nào lý giải logic chiến tranh thương mại của ông Trump: Mỹ sẵn sàng áp thuế trừng phạt TQ và leo thang toàn diện để ép TQ trả đũa mà không sử dụng các biện pháp giải quyết tranh chấp theo luật WTO. Về cơ bản, một tình thế như vậy gần như đánh dấu việc hai nền kinh tế lớn nhất thế giới hoàn toàn rút chân khỏi WTO và áp dụng “luật rừng” đối đầu nhau.

Còn tương đối sớm để đánh giá hậu quả mà một bối cảnh hiện nay thực sự mang lại. Dù vậy, có thể đoán rằng khả năng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cùng gạt bỏ trật tự thương mại thiết lập dưới WTO sẽ đem đến một giai đoạn khủng hoảng thực sự với kinh tế thế giới: Một hiệu ứng domino trong đó các nền kinh tế khác phải tự bảo vệ mình bằng cách dựng rào cản thương mại rất có thể sẽ là phát súng khơi mào cho một chu kỳ suy thoái toàn cầu kế tiếp.

__________________________

(*) Tác giả Nguyễn Vũ Nhật Anh là biên tập viên cao cấp tạp chí NOVAsia, ĐH Yonsei (Hàn Quốc), nghiên cứu viên cộng tác Trung tâm Nghiên cứu quốc tế (SCIS)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm