Khoảnh khắc cuối đầy xúc động của phi công trong thảm kịch máy bay Hàn Quốc

(PLO)- Video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy nỗ lực cuối cùng của phi công trước thảm kịch máy bay Hàn Quốc.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tờ The Korean Times dẫn video trên mạng xã hội ghi lại khoảnh khắc cuối cùng của phi công trên máy bay của hãng hàng không Jeju Air gặp tai nạn vào ngày 29-12-2024 cho thấy cảnh tượng xúc động.

Đoạn video ghi lại cảnh phi công đưa tay về phía bảng điều khiển phía trên của buồng lái trước, được cho là cố gắng điều khiển máy bay, trước khi nó va với bức tường.

Video trên xuất hiện trong một bài đăng có tiêu đề "Những khoảnh khắc cuối cùng của phi công" được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội.

"Cho đến giây phút cuối cùng, tay anh ấy vẫn vươn tới bảng điều khiển buồng lái. Tôi tin rằng anh ấy đã làm hết sức mình" – bài đăng viết.

Máy bay Hàn Quốc
Cảnh quay cắt từ video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy trong những khoảnh khắc cuối trước khi máy bay của Jeju Air gặp nạn, phi công vẫn tìm cách điều khiển máy bay để đảm bảo an toàn. Ảnh cắt từ YOUTUBE

Đoạn video đã khiến nhiều người cảm thấy xúc động. Trên các diễn đàn, nhiều người để lại bình luận ca ngợi phi công trong vụ máy bay Hàn Quốc gặp nạn.

"Anh ấy đã hạ cánh máy bay bằng bụng một cách hoàn hảo nhưng phải đối mặt với một bức tường bê tông. Việc tưởng tượng đến suy nghĩ của anh ấy trong những khoảnh khắc cuối cùng đó khiến tôi rơi nước mắt" – một người dùng mạng xã hội viết.

Một người khác viết: "Nhìn thấy bức tường trước mắt trong khi máy bay tiếp tục tiến về phía trước, nỗi sợ hãi và bất lực hẳn là không thể tưởng tượng nổi".

Đến nay, giới chức vẫn đang điều tra nguyên nhân vụ tai nạn.

Hôm 31-12-2024, Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc cho biết nếu cả hai động cơ đều hỏng, hệ thống thủy lực có thể gặp trục trặc và có khả năng ảnh hưởng đến bánh đáp.

"Tuy nhiên, trong trường hợp hỏng toàn bộ hệ thống, [phi công] có thể sử dụng cần gạt thủ công" – một quan chức của bộ cho biết.

Các chuyên gia hàng không cho rằng có khả năng phi công đã dùng đến hệ thống điều khiển thủ công trước khi vụ tai nạn diễn ra.

Ông Jeong Yun-sik – GS về hoạt động hàng không tại ĐH Công giáo Kwandong – cho biết những tình huống như vậy đòi hỏi nỗ lực thể chất rất lớn.

"Nếu cả hai động cơ đều hỏng và hệ thống thủy lực không hoạt động, phi công phải dựa vào các điều khiển thủ công bằng cáp. Điều này đòi hỏi sức mạnh đáng kể, có thể buộc cả cơ trưởng và cơ phó phải cùng nhau điều khiển" – ông Jeong nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm