Kỳ vọng lối thoát cho các điểm nóng xung đột trong năm 2025

(PLO)- Thế giới năm 2024 chìm trong hàng loạt căng thẳng, xung đột từ Âu sang Á, liệu năm 2025 có mở ra lối thoát cho các điểm nóng xung đột đang hiện hữu trên toàn cầu?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thế giới năm 2024 đã chìm trong chiến tranh và xung đột khiến hàng chục ngàn người thiệt mạng. Một năm mới đã đến, điều mà cộng đồng quốc tế quan tâm lúc này là liệu năm 2025 có mở ra lối thoát cho các điểm nóng xung đột đang hiện hữu trên toàn cầu.

Xung đột Nga-Ukraine

Ukraine kết thúc năm 2024 trong tình trạng thiếu hụt nhân lực, thất thế rõ ràng trong một số trận chiến quan trọng và ít có triển vọng thay đổi tình hình trên chiến trường. Chiều ngược lại, Nga dù đạt nhiều bước tiến nhưng vẫn đối mặt nhiều vấn đề nghiêm trọng như thiếu binh sĩ, nền kinh tế bị chiến sự tác động.

Ngày 16-12, phát biểu với các tướng lĩnh Nga, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Andrei Belousov nói rằng Moscow đặt mục tiêu kiểm soát toàn bộ các tỉnh Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhia vào năm 2025. “Vào năm 2025, Moscow có kế hoạch giành chiến thắng” - ông Belousov nhấn mạnh.

Kỳ vọng lối thoát cho các điểm nóng xung đột trong năm 2025
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: GETTY IMAGES

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky hồi tháng 11 nói rằng ông hy vọng xung đột với Nga sẽ kết thúc vào năm 2025 thông qua các biện pháp ngoại giao.

Có thể thấy cả hai bên tham chiến đều đặt mục tiêu kết thúc xung đột trong năm sau, song nhiều nhà phân tích cho rằng năm 2025 sẽ là giai đoạn hoàn toàn không chắc chắn đối với cả Ukraine và Nga.

Tờ New Voice of Ukraine dẫn nhận định của một số chuyên gia rằng trong năm 2025 lực lượng vũ trang Ukraine sẽ tiếp tục duy trì phòng thủ chiến lược, trong khi lực lượng Nga sẽ từ từ tiến vào một số khu vực nhất định.

Theo các dự đoán, trong giai đoạn đầu năm mới, lực lượng Ukraine sẽ bước vào cuộc chiến giành TP Pokrovsk (tỉnh Donetsk) với Nhóm chiến đấu phía Bắc của Nga. Nếu mọi chuyện thuận lợi, Kiev có thể giành lại Pokrovsk trong vòng sáu tháng nhưng kịch bản quân Ukraine bị đánh bật khỏi tỉnh Kursk (Nga) trong sáu tháng đầu năm cũng hoàn toàn có thể xảy ra khi Moscow gần đây đang tăng cường lực lượng ở Kursk.

Xa hơn về phía nam, gần TP Kupyansk (tỉnh Kharkiv) và Lyman (tỉnh Donetsk), giao tranh được dự đoán sẽ tiếp tục mà không bên nào giành được lợi thế đáng kể. Chuyên gia quân sự Viktor Kevliuk tại Trung tâm Chiến lược quốc phòng Ukraine tin rằng Nga có thể chiếm được TP Toretsk nhưng sẽ không thể tạo điều kiện để đột phá thêm về phía bắc tới các TP Slovyansk và Kramatorsk.

Các dự đoán cũng cho rằng Ukraine vẫn sẽ tiếp tục được phương Tây cho phép sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công vào lãnh thổ Nga nhưng mức độ viện trợ quân sự sẽ không tăng đáng kể.

Ở mặt trận ngoại giao, chính quyền Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cùng với một số nước châu Âu được cho là sẽ khởi xướng một quá trình đàm phán. Tùy theo tình hình thực địa, Điện Kremlin có thể hạ quyết tâm chiến thắng mà không muốn đàm phán, hoặc đề xuất “đóng băng” các chiến tuyến hiện tại để đổi lấy việc dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt, hạn chế các hành động của Lực lượng vũ trang Ukraine.

Ngày 21-12, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra hai kịch bản cho tương lai xung đột Nga-Ukraine. Kịch bản thứ nhất cho rằng xung đột sẽ kết thúc vào cuối năm 2025, còn kịch bản bi quan hơn dự đoán chiến sự sẽ tiếp tục cho đến giữa năm 2026, ảnh hưởng đáng kể đến sự ổn định kinh tế.

Xung đột Israel-Hamas

Trong bối cảnh Thủ tướng Israel - ông Benjamin Netanyahu tiếp tục theo đuổi mục tiêu “toàn thắng” trước Hamas, hiện chưa có kế hoạch rõ ràng nào để chấm dứt chiến sự ở Gaza hay giải quyết tình hình “hậu chiến”.

Trong khi việc Israel đạt thỏa thuận ngừng bắn với nhóm vũ trang Hezbollah (Lebanon) không vấp phải phản ứng từ nội bộ Israel thì các đối tác trong liên minh cánh hữu của ông Netanyahu kiên quyết phản đối việc thỏa hiệp với Hamas.

nam-2025-se-mo-ra-loi-thoat-cho-cac-diem-nong-xung-dot-toan-cau (3).jpg
Các tòa nhà bị hư hại ở TP Khan Younis (miền Nam Dải Gaza) hồi tháng 4. Ảnh: AFP

Các chuyên gia dự đoán rằng giao tranh tại Gaza trong năm 2025 có thể tiếp tục theo hướng tập trung hơn, chủ yếu ở khu vực phía nam và miền trung Dải Gaza. Tại phía bắc Gaza, Israel có khả năng thiết lập nền tảng cho sự hiện diện dài hạn, với mục tiêu biến khu vực này thành vùng đệm và bệ phóng để dễ dàng triển khai hoạt động vào các khu vực khác.

Trong khi đó, người dân Gaza được cho là vẫn sẽ phải chịu đựng thảm họa nhân đạo, bao gồm thiếu lương thực, nước sạch, dịch bệnh và tình trạng mất nhà cửa.

Sự trở lại của ông Trump cũng có thể làm thay đổi tính toán của các bên trong xung đột. Ông Trump đã tuyên bố rằng ông mong muốn đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza trước ngày ông nhậm chức.

Ông Trump dường như muốn khẳng định vai trò một “tổng thống thương thuyết” bằng việc kết thúc hoặc làm giảm leo thang chiến sự tại Gaza trong những tháng đầu nhiệm kỳ, đồng thời đạt được thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi con tin. Điều này cũng nhằm chứng tỏ với các cử tri Mỹ gốc Ả Rập và Hồi giáo rằng ông quan tâm các vấn đề của họ.

Một nguồn tin thân cận với ông Trump gần đây nói rằng chính quyền mới ở Mỹ sẽ không điều kiện hóa việc cung cấp vũ khí cho Israel với dòng viện trợ nhân đạo vào Gaza, thể hiện lập trường ủng hộ quân sự mạnh mẽ và giảm trọng tâm vào vấn đề nhân đạo.

Dù vậy, năm 2025 có thể chứng kiến những bước tiến đến một lệnh ngừng bắn ở Gaza khi chính phủ Israel đối mặt với áp lực quốc tế và nội bộ ngày càng tăng để hạ nhiệt xung đột. Trong khi đó, cảm giác bị cô lập gia tăng và việc mất đi các lãnh đạo cấp cao có thể khiến Hamas sẵn sàng thỏa hiệp hơn.

Căng thẳng Iran - Israel

Nếu phải nói về mối đe dọa nguy hiểm nhất ở Trung Đông thì đó chắc chắn là căng thẳng giữa Israel và Iran. Trong năm 2024, hai bên đều “vượt lằn ranh đỏ” khi lần đầu phát động cuộc tấn công trực tiếp vào lãnh thổ đối phương. Đến nay, khả năng Iran đáp trả đòn tấn công tên lửa từ Israel hồi tháng 10 vẫn còn bỏ ngỏ.

“Viễn cảnh về một cuộc chiến trực tiếp giữa Israel và Iran chưa bao giờ gần hơn hiện tại. Với việc ông Trump sắp lên nắm quyền, Israel có thể sẽ mạnh dạn vượt qua những ‘lằn ranh đỏ’ lâu nay, bao gồm việc tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran” - chuyên gia Veena Ali-Khan tại viện nghiên cứu Century Foundation nhận định.

nam-2025-se-mo-ra-loi-thoat-cho-cac-diem-nong-xung-dot-toan-cau (2).jpg
Tòa nhà Đại sứ quán Iran ở Syria trúng không kích hồi tháng 4 - sự kiện mở đầu cho chuỗi “ăn miếng trả miếng” giữa Iran và Israel. Ảnh: AFP

Chuyên gia này cảnh báo rằng một động thái leo thang như vậy không chỉ làm tiêu tan hy vọng về một thỏa thuận hạt nhân Mỹ-Iran mà còn có thể kéo Washington vào cuộc xung đột của Israel với Tehran, mở ra nguy cơ một cuộc chiến khu vực rộng lớn hơn.

Nhiều khả năng chính quyền sắp tới của ông Trump sẽ thúc đẩy chiến dịch “gây sức ép tối đa” với Iran như nhiệm kỳ đầu. Một chiến dịch gây sức ép tối đa mới do Mỹ dẫn dắt gần như chắc chắn sẽ mang lại cho Israel sự tự tin lớn hơn trong nỗ lực tiếp tục tấn công “Trục kháng chiến” của Iran.

Xung đột tăng cao trên toàn cầu, nhưng chưa phải đỉnh điểm

Thế giới đã chứng kiến một sự gia tăng đáng kinh ngạc về các cuộc xung đột trong năm qua, theo dữ liệu do Dự án Dữ liệu Định vị và Sự kiện Xung đột Vũ trang (ACLED) công bố ngày 19-12.

ACLED ước tính ít nhất 233.000 người đã thiệt mạng trong các cuộc xung đột năm 2024 và mức độ xung đột trên toàn cầu đã tăng gấp đôi trong vòng 5 năm qua, giữa bối cảnh các cuộc chiến tại Ukraine, Gaza, Myanmar và nhiều nơi khác.

ACLED ghi nhận số người thiệt mạng do xung đột năm 2024 đã tăng 30% so với năm trước, từ 179.099 người vào năm 2023 lên 233.597.

Cuộc chiến tại Ukraine là cuộc xung đột đẫm máu nhất năm 2024, với 67.000 người thiệt mạng. Tại các vùng lãnh thổ Palestine bao gồm Dải Gaza và Bờ Tây, con số này là 35.000.

Đến cuối năm nay, số vụ bạo lực trên toàn cầu là gần 200.000, tăng khoảng 25% so với năm ngoái và gấp đôi so với 5 năm trước.

Tầm ảnh hưởng của bạo lực là rất lớn. Theo ACLED, cứ 8 người trên thế giới thì có 1 người bị ảnh hưởng bởi xung đột trong năm 2024. Dữ liệu cho thấy người dân Palestine đối mặt với mức độ bạo lực cao nhất trên thế giới, với 81% dân số chịu ảnh hưởng trực tiếp từ xung đột.

Dù vậy, GS Clionadh Raleigh tại ĐH Sussex (Anh), cũng là người sáng lập ACLED, dự đoán rằng xung đột toàn cầu sẽ tiếp tục gia tăng và đỉnh điểm xung đột có thể vẫn chưa đến.

Còn theo GS Paul Poast tại ĐH Chicago, thế giới có thể đang bước vào một "bình thường mới" về xung đột.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm