Ông Trump có thể tái định hình chính sách và chính trị Mỹ ra sao?

(PLO)- Nhiệm kỳ hai, ông Donald Trump với vai trò tổng thống Mỹ sẽ đối mặt kỳ vọng và thách thức lớn trong việc định hình lại chính sách và chính trị Mỹ.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang nhận được sự kỳ vọng lớn từ cử tri Mỹ với nhiệm kỳ thứ hai tại Nhà Trắng. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu định hình lại chính sách và nền chính trị Mỹ, ông Trump sẽ phải đối mặt với nhiều thử thách kể từ ngày tuyên thệ nhậm chức 20-1-2025, theo hãng thông tấn Anadolu.

Kinh tế và thương mại: Thách thức từ lời hứa tranh cử

Nền kinh tế, đặc biệt là vấn đề lạm phát và giá cả cao tại các cửa hàng tạp hóa, là vấn đề trọng tâm trong chiến dịch tranh cử của ông Trump. Ông Trump khẳng định rằng người dân Mỹ sẽ sớm có khả năng mua thực phẩm tạp hóa với giá rẻ hơn, nhưng các chuyên gia chẳng hạn như ông Ed Hirs - chuyên gia tại Khoa Kinh tế thuộc ĐH Houston (Mỹ) - lại cho rằng điều này khó có thể xảy ra ngay lập tức.

Ông Trump dự định áp thuế lên đến 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ các đối tác thương mại lớn như Mexico và Canada. Nếu thực hiện, biện pháp này có thể khiến giá cả tăng cao hơn với người tiêu dùng Mỹ. Ông Hirs cho rằng việc áp thuế có thể khiến các nhà sản xuất trong nước nâng giá lên tương ứng, khiến giá cả chung sẽ tăng cao.

chính trị Mỹ
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Ông Hirs cũng lưu ý rằng việc áp thuế đối với các sản phẩm từ Canada - nơi Mỹ nhập khẩu khoảng 4 triệu thùng dầu mỗi ngày - sẽ tác động sâu rộng đến người tiêu dùng trên toàn quốc, làm tăng giá năng lượng và hàng hóa khác.

Bên cạnh đó, vấn đề chuỗi cung ứng vẫn là rào cản lớn. Ông Trump thừa nhận rằng việc giảm giá nhanh chóng sẽ rất khó thực hiện nếu chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục đứt gãy như hiện tại. Ông Trump dự kiến tập trung cải thiện lĩnh vực này, song giới nghiên cứu cho rằng đây sẽ là một quá trình dài hơi, cần sự phối hợp giữa nhiều bên.

Ngoài ra, ông Trump cam kết cải cách mạnh mẽ chính sách nhập cư, bao gồm trục xuất hàng triệu người di cư không giấy tờ và bãi bỏ quyền công dân theo chế độ nơi sinh. Dù nhận được sự ủng hộ từ một bộ phận cử tri, chính sách này có thể dẫn đến thiếu hụt lao động trong các ngành nghề cần lao động phổ thông như nông nghiệp, xây dựng và dịch vụ, làm tăng áp lực lên nền kinh tế vốn đang đối mặt với lạm phát.

Chính sách đối ngoại: Căng thẳng thương mại và xung đột quốc tế

Quan hệ với Trung Quốc tiếp tục là một điểm nóng trong chính sách đối ngoại của ông Trump. Ông Trump cam kết duy trì lập trường cứng rắn với Bắc Kinh, bao gồm áp thuế cao đối với hàng hóa Trung Quốc để bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước. Tuy nhiên, điều này có thể làm gia tăng căng thẳng thương mại và dẫn đến các biện pháp trả đũa từ Trung Quốc, như việc hạn chế nhập khẩu nông sản Mỹ từng xảy ra trong nhiệm kỳ đầu tiên.

Tại Trung Đông, căng thẳng Israel-Palestine sẽ là bài toán khó. Ông Trump từng thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Israel, từ việc công nhận Cao nguyên Golan đến chuyển Đại sứ quán Mỹ đến Jerusalem. Sau khi tái đắc cử, ông Trump có thể tiếp tục hỗ trợ các kế hoạch sáp nhập lãnh thổ của Israel.

Tuy nhiên, tình hình nhân đạo tại Dải Gaza đang thu hút sự chú ý toàn cầu, với hàng triệu người dân phải chịu cảnh sống thiếu thốn và hàng chục nghìn người thiệt mạng. Cách ông Trump xử lý cuộc xung đột này sẽ là phép thử lớn đối với uy tín quốc tế của Mỹ.

trump.jpg
(Từ trái sang) Tổng thống Nga Vladimir Putin,Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: CNN

Cuộc chiến Nga-Ukraine là một thách thức khác mà chính quyền ông Trump cần giải quyết. Ông Trump đã bày tỏ mong muốn đối thoại với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky để đạt được một thỏa thuận hòa bình. Tuy nhiên, tổng thống đắc cử Mỹ cũng nhấn mạnh rằng Washington không nên tham gia quá sâu, thay vào đó, Liên minh châu Âu (EU) cần đảm nhận trách nhiệm lớn hơn.

Ông Hirs cảnh báo rằng nếu ông Trump rút Mỹ khỏi các vấn đề tiến trình quan trọng chẳng hạn như rút khỏi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), thì điều này có thể mở đường cho các siêu cường khác thay thế vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ.

Biến đổi khí hậu: Những tranh cãi không hồi kết

Biến đổi khí hậu là chủ đề gây tranh cãi trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, và không có dấu hiệu nào cho thấy điều này sẽ thay đổi. Ông Trump từng gọi biến đổi khí hậu là “trò lừa bịp” và đe dọa bãi bỏ Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) - một sáng kiến chi tiêu trị giá 369 tỉ USD bao gồm các khoản giảm thuế lớn cho năng lượng sạch và giảm phát thải khí nhà kính.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định rằng việc hủy bỏ hoàn toàn IRA là điều không dễ dàng. Phần lớn nguồn vốn từ IRA đã được phân bổ cho các khu vực do đảng Cộng hòa kiểm soát, và các dự án này mang lại lợi ích kinh tế lớn, từ việc làm đến giảm chi phí năng lượng. Sự can thiệp đột ngột có thể gây ra phản ứng tiêu cực từ chính các cử tri ủng hộ ông Trump.

Dù ông Trump có thể làm chậm quá trình chuyển đổi năng lượng, giới chuyên gia cho rằng sự chuyển đổi này đã trở thành xu hướng không thể đảo ngược, đặc biệt khi các chính sách năng lượng sạch nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ cả hai đảng trong quốc hội Mỹ.

Với chương trình nghị sự đầy tham vọng, nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump hứa hẹn mang đến những biến động lớn cho cả nước Mỹ và thế giới. Ông Trump không chỉ đối mặt với áp lực thực hiện các cam kết kinh tế, mà còn phải giải quyết các vấn đề đối ngoại phức tạp, từ căng thẳng thương mại đến xung đột quốc tế.

Đến cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm 2026, những tác động từ các chính sách này sẽ trở nên rõ ràng. Khi đó, cử tri Mỹ sẽ có cái nhìn tổng quát hơn về năng lực lãnh đạo của ông Trump và định đoạt tương lai chính trị của quốc gia.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm