Ukraine bận rộn với ‘chiến lược đa chiều’ tiếp cận ông Trump

(PLO)- Bằng cách sử dụng chiến lược đa chiều gồm ngoại giao, thuyết phục và đôi khi là đánh lạc hướng, Ukraine đang làm mọi cách có thể để giành được sự ủng hộ của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Các quan chức Ukraine đang sử dụng mọi chiến lược đa chiều từ ngoại giao đến ca ngợi, nhằm tạo hảo cảm với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, đồng thời củng cố vị thế của Kiev trong cuộc chiến chống Nga.

Chiến lược đa chiều tiếp cận ông Trump

Theo tờ The New York Times, với việc quân đội Ukraine mất thêm vị thế ở phía đông, thông điệp công khai của Tổng thống Volodymyr Zelensky đã thay đổi kể từ ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ năm 2024. Ông Zelensky mô tả Ukraine là quốc gia cởi mở với các cuộc đàm phán, trong đó lưu ý sẽ cân nhắc các giải pháp ngoại giao để giành lấy hòa bình cho Ukraine.

Một trong những nỗ lực táo bạo nhất là khi các quan chức Ukraine biết ông Trump sẽ đến Pháp dịp khánh thành Nhà thờ Đức Bà Paris. Họ đã nhờ văn phòng Tổng thống Pháp sắp xếp cuộc gặp giữa ông Zelensky và ông Trump.

Dù không có gì đảm bảo, nhóm của ông Zelensky đã di chuyển nhiều giờ với đoạn đường hơn 2.400 km từ Kiev tới Paris với hy vọng gặp ông Trump, và cuối cùng đã thành công. Cuộc gặp chỉ được xác nhận ngay trước khi ông Trump vào Điện Elysee. Cuộc thảo luận kéo dài 45 phút, hơn gấp ba lần dự kiến.

Ông Zelensky dùng chiến lược đa chiều tiếp cận ông Trump
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump (trái) bắt tay Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky trong cuộc gặp tại Paris (Pháp) ngày 7-12. Ảnh: EPA

Sau cuộc gặp, ông Zelensky viết trên mạng xã hội: "Tổng thống Trump, như mọi khi, vẫn kiên quyết. Tôi cảm ơn ông ấy". Vào ngày 10-12, ông Zelensky tiếp tục gửi những lời có cánh cho ông Trump, cho rằng Nga và có lẽ cả Trung Quốc "chỉ sợ mỗi ông Trump”.

Bên cạnh đó, chuyến đi của chánh văn phòng tổng thống Ukraine đến Washington trong tháng này, gặp gỡ các thành viên nhóm ông Trump, cũng là một nỗ lực kêu gọi sự hỗ trợ từ tổng thống đắc cử Mỹ.

Các lãnh đạo Ukraine cũng trì hoãn việc ký kết thỏa thuận hợp tác khoáng sản quan trọng với Mỹ, để ông Trump có thể tạo di sản sau khi nhậm chức, thay vì Tổng thống Joe Biden.

Ukraine đã dự định ký thỏa thuận hợp tác khai thác khoáng sản với chính quyền ông Biden, nhưng đã hai lần trì hoãn, có thể vì muốn chờ ông Trump lên nắm quyền và trình bày thỏa thuận này như một chiến thắng của chính quyền ông Trump.

Kiev đang cố gắng giải thích với ông Trump và những người ủng hộ ông rằng Ukraine có thể giúp Mỹ phát triển các ngành công nghiệp nhờ vào nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú mà Kiev có được. Ukraine sở hữu trữ lượng khoáng sản quan trọng như coban, than chì và lithium - vật liệu quan trọng cho các loại pin sạc mà tỉ phú Mỹ Elon Musk có thể quan tâm.

Thượng nghị sĩ Lindsey Graham - đồng minh của ông Trump - cho rằng lợi ích tài chính này có thể sẽ khiến ông Trump đi tới một thỏa thuận giúp làm giàu cho cả Mỹ và Ukraine, đồng thời mang lại hòa bình.

Một nhà lập pháp Ukraine thậm chí còn đề cử ông Trump cho Giải Nobel Hòa bình.

Cụ thể, tháng trước, nghị sĩ Oleksandr Merezhko cho biết đã đề cử tổng thống đắc cử Mỹ cho giải Nobel Hòa bình, vì ông Trump đã cam kết mang lại hòa bình cho Ukraine và quyết định bán tên lửa chống tăng Javelin cho Kiev.

"Số phận của Ukraine phụ thuộc vào ông Trump...Chúng ta nên trân trọng những gì ông ấy đã làm cho chúng ta. Chúng ta nên biết ơn" - ông Merezhko nói.

"Ukraine muốn đảm bảo vị trí của họ trên radar của chính quyền mới ở Mỹ, do đó đang dốc sức thiết lập các mối liên hệ, xây dựng cầu nối với Washington" - bà Alyona Getmanchuk, người đứng đầu Trung tâm Châu Âu Mới tại Kiev.

Thông điệp đang dần được lắng nghe?

Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã hứa sẽ chấm dứt chiến tranh Nga-Ukraine trong vòng 24 giờ. Mặc dù không đưa ra chi tiết về cách thức thực hiện, nhưng thái độ của ông đối với viện trợ cho Ukraine khiến các quan chức tại Kiev lo ngại rằng ông sẽ ngay lập tức cắt viện trợ và vũ khí, đồng thời thúc ép một giải pháp có lợi cho Moscow.

Đề xuất này xuất phát từ ông Keith Kellogg - cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, người mà ông Trump đã chỉ định làm đặc phái viên tại Ukraine và Nga. Trong một nghiên cứu công bố vào tháng 4 từ một nhóm nghiên cứu ủng hộ Trump, ông Kellogg đề xuất các cuộc đàm phán hòa bình giữa Kiev và Moscow, với các điều kiện nghiêm ngặt: nếu Ukraine từ chối tham gia, viện trợ của Mỹ sẽ bị cắt; hoặc nếu Nga từ chối tham gia, Ukraine sẽ nhận được nhiều viện trợ hơn từ Mỹ.

Một điều nữa, quan hệ giữa ông Trump và ông Zelensky khá căng thẳng, đặc biệt sau cuộc điện thoại năm 2019, khi ông Trump yêu cầu Ukraine điều tra ông Biden, sau đó là cuộc luận tội đầu tiên của ông Trump. Cuộc điện thoại thứ hai của họ chỉ diễn ra vào tháng 7 năm ngoái. Ông Trump cũng từng ca ngợi ông Putin và bày tỏ mong muốn thiết lập mối quan hệ tích cực với nhà lãnh đạo Nga.

14ukraine-trump02-gbfm-superJumb.jpg
Binh sĩ Ukraine đang nạp pháo trên chiến trường. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Tuy nhiên theo The New York Times, thông điệp của Ukraine dường như đang dần được lắng nghe. Sau cuộc gặp với ông Zelensky, ông Trump đã đăng trên mạng xã hội rằng ông Zelensky và Ukraine "muốn đạt được một thỏa thuận và chấm dứt sự điên rồ này".

Chia sẻ với tạp chí Paris Match mới đây, ông Trump nói rằng việc chấm dứt chiến tranh ở Ukraine sẽ là ưu tiên chính trong chính sách đối ngoại của ông sau khi nhậm chức vào tháng tới, và cam kết bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình ngay khi nhậm chức.

Song vẫn còn quá sớm để nói liệu ông Trump có đứng về phía Ukraine hay không, hay rồi sự việc sẽ diễn tiến thế nào. Trước mắt vẫn có thể dễ dàng nhìn thấy những bất đồng lớn giữa ông Trump và Ukraine.

Trong cuộc phỏng vấn được tạp chí TIME đăng tải ngày 12-12, ông Trump đã chỉ trích mạnh mẽ việc Ukraine sử dụng tên lửa Mỹ để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, gọi đây là một hành động leo thang nguy hiểm.

"Những gì đang diễn ra thật điên rồ. Tôi cực lực phản đối việc bắn tên lửa tầm bắn hàng trăm dặm vào đất Nga. Tại sao chúng ta lại làm vậy? Chúng ta chỉ đang leo thang cuộc chiến này và khiến nó trở nên tồi tệ hơn. Điều đó không nên được phép xảy ra” - ông Trump nêu quan điểm.

Một điểm bất đồng lớn nữa là yêu cầu của ông Zelensky về việc Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), điều mà ông Trump khó có thể chấp nhận vì ông này hoài nghi NATO cũng như biết rõ rằng ông Putin sẽ không chấp nhận.

Người dân Ukraine đặt hy vọng vào ông Trump

Một bộ phận lớn người dân ở Ukraine đặt hy vọng vào tổng thống đắc cử Mỹ có thể chấm dứt chiến tranh theo các điều khoản có thể chấp nhận được. Một cuộc thăm dò gần đây của Trung tâm Châu Âu Mới cho thấy 44% người Ukraine tin tưởng ông Trump, cao hơn bất kỳ quốc gia châu Âu nào khác.

Tại Trump White Coffee Bar - một trong ít nhất hai quán cà phê ở Kiev mang tên ông Trump, khách hàng cho biết họ muốn ông thực hiện lời hứa trong chiến dịch tranh cử của mình.

"Tôi hy vọng ông Trump sẽ làm những gì ông đã hứa để hòa bình đến với Ukraine. Đây là mong muốn chính của người dân Ukraine. Tôi rất tiếc thương cho những người đã chết trong chiến tranh. Tôi có những người bạn đã chết và những người bạn vẫn đang chiến đấu. Tôi muốn tất cả họ trở về nhà” - Yulia Lymych (25 tuổi) chia sẻ.

Bà Alyona Getmanchuk, người đứng đầu Trung tâm Châu Âu Mới tại Kiev cho biết một phần sự ủng hộ đó xuất phát từ sự thất vọng của nhiều người Ukraine đối với cách tiếp cận thận trọng của Tổng thống Biden trong việc hỗ trợ quân đội Ukraine. Một số người Ukraine đã cảm thấy rằng sự hỗ trợ từ chính quyền Biden là không đủ và đến quá muộn, khiến họ tìm kiếm những giải pháp khác có thể mang lại hòa bình nhanh chóng, dù điều này có thể đi kèm với những nhượng bộ trong cuộc chiến với Nga.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm