Tổng thống Hàn Quốc bị phế truất, nhiều phản ứng đan xen

(PLO)- Nhiều phản ứng đan xen trong lòng xã hội Hàn Quốc khi Tòa Hiến pháp chính thức phế truất ông Yoon Suk-yoel khỏi cương vị tổng thống.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 4-4, Tòa Hiến pháp Hàn Quốc ra phán quyết giữ nguyên quyết định của quốc hội về việc luận tội Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol. Điều này đồng nghĩa Tòa Hiến pháp phế truất ông khỏi cương vị tổng thống, trích dẫn sự vi phạm nghiêm trọng các chuẩn mực dân chủ và pháp quyền vì tuyên bố thiết quân luật vào đầu tháng 12 năm ngoái.

Ông Yoon chính thức bị phế truất

Theo hãng thông tấn Yonhap, phán quyết, do quyền Chánh án Moon Hyung-bae công bố trực tiếp trên sóng truyền hình, là cuối cùng và có hiệu lực ngay lập tức.

“Những hệ quả tiêu cực đối với trật tự hiến pháp và hệ lụy từ hành vi vi phạm pháp luật của bị cáo là vô cùng nghiêm trọng. Việc phế truất tổng thống nhằm bảo vệ nền tảng hiến pháp là cần thiết, và lợi ích quốc gia từ quyết định này vượt xa những tổn thất do việc bãi nhiệm gây ra” - ông Moon phát biểu.

Tòa Hiến pháp tập trung làm rõ liệu ông Yoon có vi phạm pháp luật thông qua năm hành vi chủ chốt: ban bố thiết quân luật, tự soạn thảo sắc lệnh, điều động quân đội đến quốc hội, đột kích Ủy ban Bầu cử Quốc gia và ra lệnh bắt giữ chính trị gia. Kết luận, toà xác nhận ông Yoon vi phạm tất cả các cáo buộc, trong đó có việc ban bố thiết quân luật trái quy định. Theo hiến pháp Hàn Quốc, thiết quân luật chỉ được áp dụng trong tình trạng chiến tranh hoặc khẩn cấp với mức độ tương đương.

Tổng thống Hàn Quốc
Ông Yoon Suk-yeol bị phế truất khỏi cương vị Tổng thống Hàn Quốc. Ảnh: GETTY IMAGES

Phán quyết này khép lại 4 tháng đầy biến động ở Hàn Quốc, khởi đầu từ tuyên bố thiết quân luật đầy bất ngờ của ông Yoon vào tháng 12-2024, dẫn đến việc ông bị quốc hội luận tội và đối mặt vụ án hình sự với cáo buộc nổi loạn.

Sau khi bị phế truất, ông Yoon đưa ra lời xin lỗi trước toàn dân thông qua luật sư, nói rằng lấy làm tiếc vì không thể đáp ứng được kỳ vọng của người dân.

"Tôi vô cùng hối tiếc vì không thể đáp ứng được hy vọng và kỳ vọng của các bạn. Được phục vụ đất nước là vinh dự lớn nhất trong cuộc đời tôi. Tôi thực sự biết ơn sự ủng hộ và động viên không ngừng nghỉ của các bạn, ngay cả khi tôi còn thiếu sót” - ông Yoon lên tiếng.

Hàn Quốc sẽ phải tổ chức một cuộc bầu cử tổng thống mới trong vòng 60 ngày tới. Với phán quyết được ban hành vào ngày 4-4, ngày bầu cử tổng thống chậm nhất sẽ là ngày 3-6. Trong thời gian đó, Thủ tướng Han Duck-soo sẽ tiếp tục đảm nhiệm vị trí quyền tổng thống Hàn Quốc.

Ông Yoon Suk-yoel là nhà lãnh đạo được bầu một cách dân chủ thứ hai tại Hàn Quốc bị phế truất, trước đó là bà Park Geun-hye bị phế truất hồi năm 2017.

Trong nước kẻ vui, người thất vọng

Trước diễn biến trên, đảng cầm quyền Quyền lực Nhân dân (PPP) Hàn Quốc tuyên bố “trang nghiêm chấp nhận” phán quyết của Tòa Hiến pháp về việc phế truất ông Yoon. Quyền lãnh đạo PPP Kwon Young-se khẳng định rằng đảng này “chịu hoàn toàn trách nhiệm” vì đã không hoàn thành vai trò của một đảng cầm quyền, đồng thời nhấn mạnh rằng việc tôn trọng phán quyết của Tòa Hiến pháp là “cách để bảo vệ nền dân chủ và thượng tôn pháp luật”.

Theo Yonhap, phe đối lập Dân chủ hoan nghênh quyết định của Tòa Hiến pháp, cho rằng việc phế truất ông Yoon là chiến thắng của “nhân dân, dân chủ và hiến pháp”.

Ông Lee Jae-myung – lãnh đạo đảng Dân chủ và cũng là ứng cử viên sáng giá trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới – đọc tuyên bố chính thức từ quốc hội (hiện do đảng này kiểm soát): “Nhân dân vĩ đại đã giành lại nền cộng hòa dân chủ vĩ đại – Đại Hàn Dân Quốc. Cùng với nhân dân, chúng tôi sẽ khôi phục sinh kế bị tàn phá, khôi phục hòa bình, kinh tế và nền dân chủ bằng tinh thần đại đoàn kết”.

PYH2025040410820001300_P4.jpg
Quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo. Ảnh: YONHAP

Ngay sau phán quyết luận tội được đưa ra, quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Han Duck-soo phát biểu trước toàn dân, cam kết sẽ nỗ lực tối đa để tổ chức cuộc bầu cử sắp tới một cách minh bạch, công bằng, đảm bảo quá trình chuyển giao quyền lực diễn ra suôn sẻ.

"Với vai trò là quyền tổng thống, tôi sẽ đảm bảo không có khoảng trống nào trong an ninh quốc gia và quan hệ đối ngoại, và đất nước sẽ duy trì một thế trận an ninh vững chắc và kiên định. Tôi cũng sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để đảm bảo không có sự gián đoạn nào trong việc giải quyết những vấn đề cấp bách như tranh chấp thương mại, đồng thời kiên quyết duy trì trật tự công cộng để công dân của chúng ta cảm thấy an toàn và yên tâm" - ông Han nói thêm.

Ngoài ra, phản ứng của đám đông bên ngoài Tòa Hiến pháp ngay sau khi phán quyết được công bố cho thấy sự chia rẽ sâu sắc trong lòng người dân Hàn Quốc. Theo Yonhap, những người ủng hộ ông Yoon chìm trong nỗi thất vọng, trong khi bên ủng hộ ông thì ôm nhau vui mừng trước phán quyết.

Từ Tổng thống Hàn Quốc đến bị cáo tội nổi loạn

Theo tờ Korea Herald, ông Yoon Suk-yeol - một công tố viên lừng danh với chiến tích đưa hai cựu tổng thống Hàn Quốc là bà Park Geun-hye và ông Lee Myung-bak vào tù - đã đắc cử tổng thống Hàn Quốc vào năm 2022. Tuy nhiên, sự nghiệp chính trị của ông nhanh chóng chìm trong khủng hoảng.

Mặc dù từng được kỳ vọng là một người lãnh đạo chống tham nhũng, tỉ lệ ủng hộ ông Yoon bắt đầu giảm mạnh ngay cả trước khi ông nhậm chức. Các tranh cãi về vợ ông (bà Kim Keon-hee) và những mâu thuẫn chính trị với đảng đối lập khiến ông rơi vào thế khó.

Tuy nhiên, cú sốc thực sự đến vào đêm 3-12-2024, khi ông Yoon bất ngờ tuyên bố thiết quân luật ngắn ngủi. Chưa đầy hai tuần sau, vào ngày 14-12, ông Yoon bị quốc hội luận tội. Ngày 15-1, ông Yoon trở thành tổng thống đương nhiệm đầu tiên của Hàn Quốc bị bắt và truy tố.

Với phán quyết phế truất của Tòa án Hiến pháp vào ngày 4-4, ông Yoon chính thức bị tước chức vụ tổng thống.

Tuy nhiên, chuyện chưa dừng lại ở đó. Ngày 14-4, ông sẽ phải hầu tòa về cáo buộc nổi loạn, có thể đối diện với án tử hình hoặc tù chung thân. Giới quan sát cho rằng án tử hình chưa được thi hành tại Hàn Quốc từ năm 1997, do đó khả năng cao ông Yoon sẽ nhận án chung thân.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Amanda Nguyễn - Người phụ nữ gốc Việt đầu tiên bay vào không gian

Amanda Nguyễn - Người phụ nữ gốc Việt đầu tiên bay vào không gian

(PLO)- Amanda Nguyễn - nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Tổ chức Phi Chính phủ Rise bảo vệ quyền con người - đã trở thành người phụ nữ gốc Việt đầu tiên bay vào không gian sau khi hoàn tất chuyến bay lịch sử (NS-31) kéo dài 11 phút trên tàu New Shepard của Blue Origin.

Tổng thống Trump phàn nàn ông Zelensky vừa muốn đàm phán vừa hỏi thêm Patriot

Tổng thống Trump phàn nàn ông Zelensky vừa muốn đàm phán vừa hỏi thêm Patriot

(PLO)- “Nếu muốn phát động chiến sự, thì phải chắc chắn rằng mình có thể thắng. Không ai đi gây chiến với một đối thủ mạnh gấp 20 lần mình rồi trông chờ người khác tặng vài quả tên lửa để chiến đấu cả” - Tổng thống Trump phàn nàn chuyện Tổng thống Zelensky gần đây yêu cầu Mỹ viện trợ thêm hệ thống phòng không Patriot.

Diễn biến chú ý bên trong nước Mỹ vụ thuế đối ứng

Diễn biến chú ý bên trong nước Mỹ vụ thuế đối ứng

(PLO)- Đơn kiện cho rằng mức thuế đối ứng cơ bản 10% đối với hàng nhập khẩu của tất cả các nước và các mức thuế đối ứng cao áp lên hàng chục quốc gia cụ thể đang gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp nhỏ trên cả nước Mỹ.

FBI phát hiện âm mưu ám sát ông Trump

FBI phát hiện âm mưu ám sát ông Trump

(PLO)- Đối tượng Nikita Casap, 17 tuổi, bị cáo buộc giết hại mẹ ruột và cha dượng nhằm chiếm đoạt tiền để mua vũ khí chuẩn bị ám sát ông Trump và tấn công khủng bố.