Tính đến nay đã có 28 nước tuyên bố trục xuất hơn 140 nhà ngoại giao Nga liên quan vụ cha con cựu điệp viên người Nga Sergei Skripal bị đầu độc ở Anh.
Thủ tướng Anh Theresa May và nhiều quan chức Mỹ cho rằng chiến dịch trục xuất các điệp viên đội lốt nhà ngoại giao Nga sẽ là một “đòn hội đồng” nặng ký đánh vào mạng lưới tình báo của Nga ở phương Tây. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia tình báo, chiến dịch trục xuất này sẽ chẳng ảnh hưởng mấy đến năng lực tình báo của Moscow. Nhận định này được sự đồng tình của ông John Sipher, cựu quan chức cấp cao Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA).
Phương Tây đã chủ quan?
Theo ông Sipher, nếu xem mạng lưới tình báo của Nga ở phương Tây phụ thuộc vào các điệp viên giả danh nhà ngoại giao như thời Chiến tranh lạnh thì đó là suy nghĩ đã lỗi thời. Thực tế, hiện tại mạng lưới này phụ thuộc chủ yếu vào các điệp viên bên ngoài cơ sở ngoại giao. Ngoài KGB, Nga còn có Tổng cục Tình báo nước ngoài (SVR) và Cơ quan Tình báo quân sự (GRU) quản lý nguồn tình báo rất tốt, thậm chí có hàng loạt phương án dự phòng.
SVR và GRU hoạt động rất mạnh bên ngoài các cơ sở ngoại giao Nga, có mạng lưới đặc vụ và điệp viên bí mật tại phương Tây đa dạng hơn nhiều nếu so với các mạng lưới của các nước phương Tây ở Nga. Theo nhiều nhà hoạt động tình báo chuyên nghiệp phương Tây, sở dĩ Nga có mạng lưới điệp viên rộng hơn các đối thủ phương Tây trong đó có Mỹ là vì đa dạng tiêu chuẩn tuyển nhân lực. Nga sử dụng cả các doanh nhân, học giả, nhân viên làm việc phi chính phủ, nhà báo vào quá trình thu thập thông tin tình báo.
Năm 2010, FBI từng phá một mạng lưới của chương trình này tại Mỹ liên quan đến 10 điệp viên Nga nằm vùng với lớp vỏ bọc cực kỳ tinh vi, được cài cắm từ rất lâu và có cuộc sống như những công dân Mỹ vô cùng bình thường. Các điệp viên này được trao trả về Nga theo chương trình hoán đổi để nhận lại bốn điệp viên nhị trùng người Nga hoạt động cho phương Tây, trong đó có cả ông Skripal. Cũng theo ông Sipher, Nga còn có trong tay một kịch bản cho khủng hoảng ngoại giao, cho phép duy trì hoạt động tình báo ở phương Tây thậm chí trong trường hợp các nước cùng lúc cắt quan hệ ngoại giao và đóng cửa các cơ sở ngoại giao của Nga.
Ngoại trưởng Anh Boris Johnson vào ngày 28-3 cảnh báo rằng Moscow sẽ đáp trả tất cả các nước trục xuất nhà ngoại giao Nga. Ảnh: GETTY
Có thể "gậy ông đập lưng ông"
Ông Sipher không tin rằng phương Tây có thể thay đổi được chính sách của Tổng thống Nga Vladimir Putin nếu chỉ bằng trục xuất hàng loạt nhà ngoại giao Nga. Mặt khác, ông Sipher lo ngại hành động này có thể gây hại cho hoạt động tình báo của phương Tây ở Nga.
Ông Sipher cho biết một khi Nga quyết định vào cuộc trả đũa thì phía bị tổn thương nhiều hơn là phương Tây chứ không phải Nga. Nga rất kiên định và cứng rắn, sẵn sàng trục xuất một lúc một lượng lớn nhà ngoại giao cũng như điệp viên Mỹ. Cuối tháng 7-2017, ông Putin từng ra lệnh buộc phái bộ ngoại giao Mỹ tại nước này cắt giảm cùng một lúc 755 nhân viên ngoại giao. Nga chỉ cho phép Mỹ giữ lại 455 nhân sự cho các cơ quan ngoại giao tại nước này, bằng số nhân viên ngoại giao Nga còn lại ở Mỹ sau khi cựu Tổng thống Barack Obama ra lệnh trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga vào tháng 12-2016. Kịch bản này hoàn toàn có thể tái diễn với tất cả các nước trục xuất nhà ngoại giao Nga.
Ông Sipher là quan chức phản gián kỳ cựu 28 năm của CIA, từng là thành viên biệt đội của CIA năm 1994 vạch trần thành công Aldrich Ames, một nhân viên của CIA, là điệp viên nhị trùng của Cơ quan An ninh Liên bang Nga (KGB). Ông nhắc rằng Anh từng phải trả giá đắt khi trục xuất hàng loạt nhà ngoại giao Liên Xô. Năm 1985, giữa đỉnh điểm Chiến tranh lạnh, chính phủ Thủ tướng Anh Margaret Thatcher đã trục xuất 30 nhà ngoại giao Nga với cáo buộc họ là điệp viên nằm vùng. Trước đó, Oleg Gordievsky, một cựu nhân viên KGB đào ngũ qua Anh, đã tiết lộ hoạt động tình báo của Liên Xô ở nước này. Cuộc say men trả đũa ngoại giao qua lại giữa Nga và Anh chỉ chấm dứt khi đại sứ Anh tại Nga Bryan Cartledge đề nghị bà Thatcher “ngưng chiến” vì các hoạt động đại sứ quán Anh phải chịu tác động quá lớn. _______________________________ “Chiến dịch trục xuất của phương Tây không bao giờ bóp nghẹt được cỗ máy tình báo của Nga” - ông John Sipher, cựu quan chức của CIA chuyên trách bộ phận phản gián, nhận định. |