Việc Hàn Quốc và Mỹ khôi phục các cuộc tập trận chung sẽ phá vỡ tình trạng lắng dịu mong manh vừa mới trở lại ở bán đảo Triều Tiên gần đây, khiến khu vực một lần nữa phải lo ngại về nguy cơ xung đột, hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA cảnh báo.
“Nếu Mỹ và Hàn Quốc khôi phục các cuộc tập trận chung quy mô lớn, tình hình bán đảo Triều Tiên sẽ một lần nữa bị đẩy trở lại giai đoạn bi kịch tăm tối và những kẻ khiêu khích sẽ phải chịu mọi trách nhiệm” - KCNA cảnh báo.
“Hành động quân sự nguy hiểm này nhằm làm hại sự tiến triển trong quan hệ Bắc-Nam vốn khó khăn mới có được. Đảo ngược xu hướng phát triển là một thách thức rõ ràng với các nỗ lực chân thành của Triều Tiên nhằm tháo ngòi căng thẳng bán đảo Triều Tiên và thiết lập một môi trường hòa bình” - theo KCNA.
“Tình hình rõ ràng cho thấy Mỹ là một nước phá đám hòa bình bán đảo Triều Tiên, là thủ phạm chính gia tăng căng thẳng và là cản trở chính giữa tiến trình thống nhất liên Triều. Những kẻ gây chiến quân sự Mỹ và Hàn Quốc sẽ phải tính toán hậu quả của việc họ đe dọa chiến tranh hạt nhân” - KCNA viết.
Xe tăng M1A2 của quân đội Mỹ vượt sông Nam Han trên sà lan của quân đội Hàn Quốc trong một cuộc tập trận chung ở Yeoncheon gần biên giới với Triều Tiên. Ảnh: SPUTNIK
Mỹ và Hàn Quốc đang chuẩn bị thực hiện hai cuộc tập trận chung thường niên: Giải pháp then chốt - nội dung giả định đối phó tình huống Hàn Quốc bị xâm lược và Đại bàng con - tăng khả năng chiến đấu trên biển và đổ bộ. Mọi năm hai cuộc tập trận này thường diễn ra vào tháng 2 hoặc tháng 3 nhưng năm nay được lùi sang tháng 4 để Hàn Quốc tổ chức Thế vận hội mùa đông 2018 ở Pyeongchang.
Một phái đoàn 20 lãnh đạo Triều Tiên dự kiến sẽ sang Hàn Quốc dự lễ khai mạc thế vận hội vào ngày 8-2. Dẫn đầu phái đoàn sẽ là Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Hội nghị Nhân dân Tối cao Triều Tiên Kim Yong-nam, nhân vật ở cấp quyền lực cao thứ hai ở Triều Tiên sau lãnh đạo Kim Jong-un.
Hàn Quốc chúc mừng chuyến thăm dự kiến của ông Kim như một sự kiện bước ngoặt trong chuỗi căng thẳng nguy hiểm ở bán đảo kể từ tháng 4-2017, khi Mỹ tăng hoạt động quân sự trả lời việc Triều Tiên thử hàng loạt tên lửa đạn đạo.
Hai miền liên Triều khôi phục đàm phán từ tháng 1, sau hơn hai năm gián đoạn, dù căng thẳng giữa Triều Tiên với Mỹ vẫn rất cao. Hankyoreh dẫn lời một quan chức Hàn Quốc không nêu tên rằng “Thế vận hội Pyeongchang mang lại một cơ hội giá trị không thể bỏ qua. Chúng tôi mong đợi lập được đà giải quyết căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên và tạo nền tảng bắt đầu đối thoại giữa Triều Tiên và Mỹ”.
Trong khi đó, dù nói đây là “điều tốt” nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump lại bi quan về kết quả. Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Anh Theresa May ngày 6-2, ông Trump vẫn thống nhất “tất cả các nước phải tăng áp lực lên Triều Tiên chừng nào nước này chịu đi trên con đường giải trừ hạt nhân”.