Hôm Chủ nhật vừa qua, Trung Quốc (TQ) đã “tiếp súng đạn” cho các doanh nghiệp (DN) nhỏ và các DN đang mắc nợ nặng nề bằng việc tung ra gói tiền hơn 100 tỉ USD thông qua hệ thống các ngân hàng.
Duy trì chiến dịch “giảm nợ”
Theo New York Times, số tiền 100 tỉ USD trên đây nằm trong nỗ lực làm “giảm nợ” trong nền kinh tế TQ, khi một phần lớn các DN nước này được miêu tả là “công ty xác sống” (tạm dịch từ: zombie company) đang tồn tại kéo dài hàng thập niên qua.
Nhiều năm qua, tình trạng thừa mứa sản lượng ở nhiều DN TQ trở nên báo động. Nói nôm na hàng hóa được sản xuất đều đều nhưng sức mua ỳ ạch. Dù vậy chính phủ TQ và các ngân hàng vẫn tiếp tục bơm tiền cho các nhà máy để chúng sống lay lắt bằng cách cho vay đảo nợ, khoanh nợ, tái cấp vốn và các biện pháp trợ giúp khác. Điều mà các nhà lãnh đạo Bắc Kinh lo sợ chính là các nhà máy phá sản sẽ làm mất công ăn việc làm.
Theo các chuyên gia kinh tế, bất chấp sự phản đối của nhiều người vì chính sách này thiếu duy lý, không mang lại hiệu quả mà còn kìm hãm tăng trưởng kinh tế, Bắc Kinh vẫn ưu tiên “con đường kỳ lạ” này nhằm duy trì mục tiêu sống còn - ổn định xã hội. Không thiếu khuyến nghị rằng muốn nền kinh tế phát triển lành mạnh và bền vững, TQ phải quyết tâm xóa bỏ tình trạng dư thừa sản phẩm. Nhưng đến nay, mọi thứ vẫn không dịch chuyển.
Từ năm 2016, TQ triển khai chương trình đổi nợ lấy cổ phần tại các DN nhà nước. Theo đánh giá của các chuyên gia, nỗ lực qua chương trình giảm nợ của TQ đang làm trì hoãn tăng trưởng kinh tế nước này, khi nhà nước phải bỏ ra số tiền lớn để nuôi sống các DN không có lãi, đồng thời tạo ra sự méo mó về cạnh tranh công bằng.
Ông Tập Cận Bình (trái) tiếp tục bơm thêm tài chính trước thềm chiến tranh thương mại với ông Donald Trump. Ảnh: AP
Khó xoay chuyển tình thế
Một cuộc chiến thương mại toàn diện với Mỹ nếu xảy ra sẽ làm tổn thương TQ nhiều hơn những lập luận trước đây. Thừa nhận rằng với đặc thù nền chính trị chuyên chế và cơ chế thị trường bị chính phủ chi phối quá mạnh, đôi khi là thô bạo, các biểu hiện bề nổi khủng hoảng của nền kinh tế TQ khi có chiến tranh thương mại sẽ có thể hạn hữu.
Hiện các ngân hàng TQ nắm giữ khoảng 98% thị phần ngân hàng của nước này, hoạt động dưới sự kiểm soát chặt chẽ của chính phủ TQ. Ngân hàng Trung ương TQ chủ động cắt giảm 0,5% tỉ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại để dễ dàng bơm tiền vào thị trường từ ngày 5-7. Với các khoản vay trong gói 100 tỉ USD, các ngân hàng được chính phủ TQ chỉ thị giúp đỡ DN nhỏ có ít hoặc không có tài sản thế chấp (khoảng 30 tỉ USD) và những DN mắc nợ nặng nề (khoảng 70 tỉ USD). Đồng nhân dân tệ cũng yếu đi so với đồng USD để đảm bảo xuất khẩu vì lo ngại bị Washington đánh thuế.
Trong bối cảnh đó, nhiều người cho rằng chính phủ TQ sẽ lèo lái nền kinh tế hiệu quả hơn so với môi trường tự do tại Mỹ. Nhưng cần nhớ rằng chính sự “bao bọc” thiếu lành mạnh của chính phủ, nền kinh tế TQ đang lâm vào cảnh nợ chồng nợ trong thập niên qua, không chỉ giới quốc doanh mà nay kéo theo cả giới tư nhân. Theo New York Times, điều đó đe dọa tương lai tài chính và cả hệ thống kinh tế to lớn của nước này. Thế nên TQ không thể cứ tiếp tục lấy tiền cho chính mình vay để chờ đợi vượt qua suy thoái.
Ngoài ra, việc bơm tiền vào thị trường để bảo hộ kinh tế nội địa sẽ khiến niềm tin vào đồng nhân dân tệ nước này suy giảm, cùng lúc với giá đồng nhân dân tệ giảm vì tâm lý chiến tranh thương mại với Washington. TQ vốn là nước thận trọng trong việc cắt giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc khi đồng nhân dân tệ bị tổn thương nhưng lần này Bắc Kinh vẫn cắt giảm. “Điều đó cho thấy Ngân hàng Trung ương TQ đặt phát triển kinh tế nội địa làm ưu tiên” - chuyên gia kinh tế Deng Haiqing thuộc ĐH Nhân dân ở Bắc Kinh nhận định.