Một đại biểu cho rằng do nhu cầu máu hiện nay nhiều trong khi hệ thống y tế công chưa đáp ứng đủ, nên chăng cho y tế tư tham gia. Mặt khác, hiện y tế tư khó tiếp cận với nguồn máu và giá cũng cao nên họ tham gia sẽ rất thuận lợi cho y tế tư.
Về vấn đề này, nhiều đại biểu khác phản bác và cho rằng nếu cho y tế tư tham gia vào dịch vụ lấy, lưu trữ và cung cấp máu sẽ gây ra nhiều mặt trái. Ngoài ra giá máu tại TP đã được UBND TP hỗ trợ 2/3 và người dân chỉ trả 1/3 nên không thể mở rộng ra hệ thống y tế tư nhân.
“Bệnh viện (BV) tư nhân hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Nếu cho phép họ tham gia sản xuất máu thì họ sẽ hoạch toán vào giá, đẩy giá lên cao. Trừ một số trường hợp cần máu cấp cứu mà không có thì mới cho phép họ lấy máu tại chỗ nhưng phải đảm bảo an toàn về truyền máu” - ông Đỗ Trung Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, giải thích. Mặc dù vậy, các đại biểu vẫn thống nhất là vấn đề sử dụng máu sẽ được mở rộng cho hệ thống y tế tư nếu họ đảm bảo điều kiện về an toàn truyền máu, lưu trữ, vận chuyển…
Cũng theo ông Hưng, hiện nay ở một số địa phương nhu cầu về máu rất cao và do đường sá xa xôi do vậy các BV tự lấy và truyền máu. Tuy nhiên, khi các trung tâm máu (hay ngân hàng máu) tỉnh, khu vực phát triển, đủ sức đáp ứng cho nhu cầu địa phương thì sẽ cho dừng ngay việc lấy máu tại các BV.
Hiện nay mỗi sở y tế, mỗi BV đều có một quy trình lấy máu và sử dụng máu riêng lẻ. Các đại biểu hy vọng khi luật này có hiệu lực thì quy trình sử dụng máu sẽ thống nhất trên toàn quốc.
DUY TÍNH