Chiến dịch đóng cửa Bangkok

Bộ Quốc phòng cấm binh sĩ biểu tình

Tỉnh trưởng tỉnh Phetchaburi ghi nhận vụ nổ này có thể nhằm mục đích cản trở những người biểu tình chống chính phủ từ các tỉnh miền Nam đổ về thủ đô Bangkok.

Bác bỏ tin đồn đảo chính

Vụ phá đường tàu xảy ra một ngày sau khi một quả lựu đạn phát nổ tại địa điểm biểu tình trên đường Banthat Thong ở Bangkok làm một người chết, 36 người bị thương. Gia đình người chết đã được Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân (chống chính phủ) trao 1 triệu baht hỗ trợ mai táng.

Báo Bangkok Post ngày 18-1 đưa tin, lãnh đạo biểu tình Suthep Thaugsuban lên tiếng tố cáo chính phủ đứng sau vụ tấn công bằng lựu đạn. Ông nói người biểu tình không sợ chết và thề sẽ gia tăng biểu tình chống chính phủ.

Ngay sau đó, Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc của ông Suthep Thaugsuban. Bà khẳng định không ủng hộ bất kỳ hành động bạo lực nào và yêu cầu cảnh sát truy tìm kẻ tấn công và trừng trị thích đáng.

Vụ nổ lựu đạn ngày 17-1 trên đường Banthat Thong (Bangkok) làm một người chết, 36 người bị thương. Ảnh: EPA

Một số phương tiện truyền thông đồn đoán vụ tấn công bằng lựu đạn do các sĩ quan quân đội hợp tác với Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân gây ra.

Cùng ngày, tư lệnh quân đội Thanasak Patimaprakorn bác bỏ thông tin ông đang lập kế hoạch đảo chính để lên làm thủ tướng. Khi được hỏi về khả năng ban hành sắc lệnh khẩn cấp nếu xảy ra bạo động, ông nói biện pháp này sẽ không mang lại hiệu quả trừ khi mọi người tôn trọng luật pháp.

Ngày 18-1, Bộ Quốc phòng đã yêu cầu các đơn vị quân đội bảo đảm binh sĩ không tham gia hành động với phe biểu tình chống chính phủ. Trước đó, một số nhân viên hải quân bị bắt có mang vũ khí và giấy tờ chứng minh họ là nhân viên an ninh.

Bộ trưởng Quốc phòng Nipat Thonglek nhận định sự việc này chứng tỏ các binh sĩ đã giả danh nhân viên an ninh tham gia biểu tình. Ông kêu gọi quan chức quân đội phải trung lập về chính trị, không mặc quân phục tham gia biểu tình và không xem thường kỷ cương quân đội.

Trong ngày 18-1, phe biểu tình chống chính phủ do lãnh đạo biểu tình Suthep Thaugsuban dẫn đầu tiếp tục tuần hành. Báo The Nation (Thái Lan) đưa tin các cơ quan nhà nước tại 10/14 tỉnh miền Nam đã phải đóng cửa vì cơ quan bị những người biểu tình phong tỏa.

Tại tỉnh Chumphon, hầu hết cán bộ đã nghỉ làm. Tại tỉnh Phuket chỉ còn vài người làm việc. Hầu hết về Bangkok tham gia biểu tình chống chính phủ.

Trong khi đó tại tỉnh Ayuthaya ở miền Trung hơn 100 người tập trung trước cơ quan hành chính huyện Tha Rua để phản đối chiến dịch đóng cửa Bangkok. Họ mang biểu ngữ lên án lãnh đạo biểu tình Suthep Thaugsuban gây ách tắc giao thông và làm thiệt hại kinh tế. Họ đốt quan tài giả của ông này và hô hào ủng hộ cuộc bầu cử ngày 2-2.

Thái Lan chưa có luật biểu tình

Đến nay Thái Lan vẫn chưa có luật quy định cụ thể về quyền biểu tình. Mục 63 của hiến pháp Thái Lan chỉ khẳng định người dân có quyền tự do tập hợp một cách ôn hòa và không mang theo vũ khí.

Hiến pháp quy định không được áp đặt, hạn chế đối với quyền tự do tập hợp kể trên, ngoại trừ luật cụ thể ban hành để hướng dẫn tập hợp nơi công cộng hoặc để bảo đảm tiện lợi cho người dân trong việc sử dụng nơi công cộng hoặc để duy trì trật tự công cộng trong thời kỳ đất nước đang trong tình trạng chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp hoặc khi ban bố thiết quân luật.

Năm 2010, cảnh sát hoàng gia đã soạn thảo dự luật về tập hợp nơi công cộng. Thủ tướng lúc bấy giờ là ông Abhisit Vejjajiva đã đồng ý đưa dự luật ra thảo luận tại Hạ viện.

Dự luật yêu cầu các cuộc tập hợp nơi công cộng phải diễn ra ôn hòa và người tham gia không được mang vũ khí. Dự luật quy định người muốn tổ chức tập hợp nơi công cộng phải xin phép cảnh sát phụ trách khu vực ít nhất 24 tiếng trước khi bắt đầu tập hợp. Nếu không xin phép sẽ bị phạt 1.000 baht (640.000 đồng). Người tổ chức tập hợp phải có mặt trong quá trình tập hợp để kiểm soát trật tự và chấm dứt tập hợp theo thời gian quy định.

Dự luật cấm người biểu tình phong tỏa lối ra vào dinh thự của quốc vương, hoàng hậu, hoàng thái tử, tòa nhà chính phủ, Quốc hội, tòa án, cơ quan chính phủ, sân bay, cảng biển, ga tàu hỏa, tàu điện ngầm, trạm xe buýt, bệnh viện, trường học và sứ quán.

Dự luật cho phép cảnh sát yêu cầu người biểu tình tham gia tập hợp trái phép phải giải tán trong thời hạn cụ thể. Nếu không giải tán, cảnh sát có thể đề nghị tòa án phát lệnh ngừng tập hợp. Nếu người biểu tình không tuân thủ lệnh của tòa án, giám đốc cảnh sát Bangkok hoặc tỉnh trưởng có thẩm quyền ra lệnh cảnh sát giải tán và bắt giữ người biểu tình.

Tháng 4-2011, Hạ viện đã thông qua dự luật nói trên và chuyển sang Thượng viện để tiếp tục thảo luận. Tuy nhiên, sau khi chính phủ mới của Thủ tướng Yingluck Shinawatra lên cầm quyền vào tháng 8-2011, dự luật không được nhắc tới nữa.

Ngày 18-1, 3.000 nông dân đã phong tỏa đường cao tốc 17 ở đoạn giao lộ Pho Sai Ngarm thuộc huyện Bung Narang (tỉnh Phichit ở miền Bắc). Họ đòi chính phủ thanh toán tiền mua lúa và tuyên bố sẽ tham gia biểu tình chống chính phủ tại Bangkok nếu không nhận được tiền trước ngày 25-1.

DUY KHANG - LÊ LINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm