Để bảo đảm an toàn cho Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra trước áp lực của phe biểu tình đòi bắt giữ bà, ngày 6-2, Tổng Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Paradorn Pattanatabut cho hay đã bố trí thêm 30 đơn vị quân cảnh tại trụ sở Bộ Quốc phòng (nơi làm việc tạm thời của bà Yingluck).
Lực lượng an ninh đã sẵn sàng phong tỏa các đường phố xung quanh Bộ Quốc phòng nếu phe biểu tình có dấu hiệu bao vây. Từ ngày 4-2, Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân (chống chính phủ) đã cử một đội phản ứng nhanh đến Bộ Quốc phòng để quan sát an ninh.
Trong khi đó, người phát ngôn quân đội cho biết quân đội không thể điều động lực lượng bảo vệ thủ tướng nếu không có lệnh chính thức.
Một bà già tham gia biểu tình ở Bangkok. Ảnh: BANGKOK POST
Báo The Nation (Thái Lan) ngày 6-2 đưa tin Bộ trưởng Lao động kiêm Giám đốc Trung tâm Duy trì hòa bình và trật tự Chalerm Yubamrung tuyên bố sẽ điều động 1.000 tình nguyện viên và cảnh sát để đẩy đuổi người biểu tình rời khỏi Bộ Nội vụ trong vòng bốn ngày tới. Trước đó, cảnh sát đã hai lần đàm phán nhưng thất bại.
Liên quan đến lệnh bắt giữ 19 lãnh đạo biểu tình thuộc Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân của Tòa án Hình sự hôm 5-2, các luật sư cho biết sẽ gửi đơn phản đối.
Theo báo Bangkok Post, rạng sáng 6-2, nông dân từ tỉnh Ratchaburi (miền Trung) và bảy tỉnh miền Tây đã tập trung trước Bộ Thương mại để đòi thanh toán tiền bán lúa gạo. Một nhóm khác từ các tỉnh phía Bắc đã trình kiến nghị lên quốc vương.
Lãnh đạo biểu tình Suthep Thaugsuban đã đe dọa sẽ dẫn những người biểu tình cướp 18 triệu tấn lúa gạo từ kho chính phủ để giúp nông dân. Ông nói từ ngày 7-2 sẽ huy động tiền cho nông dân để họ trang trải chi phí biểu tình đòi tiền chính phủ.
Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra lên tiếng sẽ tìm kiếm quỹ để trả tiền cho nông dân. Bà giải thích bởi đang là thủ tướng tạm quyền nên có ít quyền lực để đạt thỏa thuận với Bộ Tài chính và Bộ Thương mại.
Trong khi đó, nguyên phó thủ tướng và nguyên Bộ trưởng Tài chính Pridiyathorn Devakula đã gửi thư kêu gọi bà Yingluck và nội các từ chức vì chính phủ đã thất bại trong điều hành đất nước.
Ông ghi nhận từ khi Hạ viện bị giải tán vào ngày 9-12-2013, chính phủ tạm quyền không thể giải quyết nhiều nhiệm vụ quan trọng mà điển hình là dự án trợ giá lúa gạo cho nông dân và dự án năng lượng mặt trời, các giao dịch kinh tế đã rớt thê thảm và không ai còn tin vào chính phủ.
Ông nhấn mạnh: “Nếu chính phủ thật sự quan tâm đến lợi ích quốc gia, bà Yingluck nên từ chức và cho phép thành lập một chính phủ thỏa mãn nhu cầu của mỗi đảng phái. Việc từ chức sẽ kết thúc biểu tình”.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Thái Lan Pailin Chuchottaworn cảnh báo Thái Lan có thể trở thành một quốc gia thất bại theo kiểu mùa xuân Ả Rập và đối mặt với tình trạng bất ổn kinh tế kéo dài nếu khủng hoảng chính trị tiếp tục leo thang.
Ngày 5-2, Tòa án Hiến pháp đã lần lượt bác đơn kiện của đảng Pheu Thai cầm quyền tố Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân lật đổ hệ thống chính trị và đơn kiện của đảng Dân chủ (đối lập) đòi giải tán đảng cầm quyền. Theo tòa, cuộc biểu tình của Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân bắt nguồn từ việc phản đối nỗ lực thông qua luật ân xá của chính phủ và điều này phù hợp hiến pháp. Liên quan đến đơn kiện của đảng Dân chủ, tòa nói chưa đủ bằng chứng. |
DUY KHANG