Tân Cương, quê hương của người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi, đã phải sống trong tình trạng "thiết quân luật" trong nhiều năm qua với lý do chống khủng bố Hồi giáo ly khai.
Hàng trăm người đã thiệt mạng trong các cuộc xung đột ở Tân Cương suốt 18 tháng qua. Chính phủ nước này đã buộc phải “càn quét” các hoạt động tôn giáo cực đoan tại đây.
Chính quyền Trung Quốc từng phải gửi quân đội đến đàn áp các cuộc bạo động tại Tân Cương vào năm 2009 (Ảnh: Wikipedia)
Tháng trước, chính phủ cho biết họ đã "giải cứu" 82 trẻ em tại thủ phủ Urumqi của Tân Cương khỏi các trường học Hồi giáo “cực đoan”. Các chiến dịch này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Tờ Legal Daily cho biết trong những ngày gần đây, một cuộc càn quét mới lại diễn ra tại Urumqi, nhằm mục tiêu ngăn chặn việc tuyên truyền tài liệu bất hợp pháp, hoạt động tôn giáo bất hợp pháp và giảng dạy tôn giáo bất hợp pháp.
Tổng cộng có 85 người đã bị Bắc Kinh giam giữ và 190 trẻ em được "giải cứu" và không cung cấp thêm thông tin chi tiết nào khác.
Chính quyền Trung Quốc đã ra sức ngăn chặn trẻ em ở Tân Cương đến các trường học tôn giáo mà Bắc Kinh xác định là “cực đoan”. Nhiều bậc phụ huynh muốn con mình đi theo nền giáo dục này phải đến các cơ sở bí mật dưới lòng đất.
Giới nhân quyền phương Tây khẳng định rằng chính sách “cứng rắn” của chính phủ đối với các hoạt động tôn giáo ở Tân Cương đang gây ra tình trạng bất ổn liên miên.
Dilxat Raxit, người đại diện của Hiệp hội Dân di cư Duy Ngô Nhĩ, hết sức lo ngại về việc ngày càng nhiều người đang bị bắt một cách oan uổng.
Theo các phỏng vấn của Reuters, cùng với việc cố gắng hạn chế các mặt hàng như khăn trùm đầu và cấm nam giới để râu, Bắc Kinh cũng tìm cách ngăn cản những thông tin mới nhất từ Tân Cương xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Ilham Tohti, một giáo sư kinh tế tại Đại học Minzu, Bắc Kinh, được cho là người đấu tranh bảo vệ cho quyền lợi của người Duy Ngô Nhĩ, đã bị bắt giữ vào tháng Giêng.
Duy Long