Chiều 4-8, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ tiếp xúc với hơn 300 cử tri là cán bộ nghỉ hưu thuộc diện Thành ủy quản lý.
Tại cuộc tiếp xúc này, có năm ý kiến cử tri thì ba người là thiếu tướng, một người là trung tướng và một đại tá đã gửi gắm nhiều tâm huyết gắn liền với tình hình thời sự của đất nước như vấn đề biển Đông, ô nhiễm môi trường - Formosa, phòng chống tham nhũng - lãng phí, vấn đề tổ chức cán bộ mà trực tiếp nhất là liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.
Cử tri tham gia phát biểu ý kiến tại cuộc tiếp xúc chiều 4-8. Ảnh: N.NAM
Thiếu tướng Vũ Cao Quân, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự TP Cần Thơ, đánh giá vụ ông Trịnh Xuân Thanh vừa qua Tổng Bí thư đã chỉ đạo kịp thời, kiểm điểm đúng nhưng vấn đề không chỉ dừng lại ở đó.
Ông Quân đặt vấn đề về trách nhiệm của những người đã để xảy ra việc Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) vẫn được phong anh hùng lao động trong khi người lãnh đạo đơn vị này là ông Thanh lại có trách nhiệm trong việc làm thua lỗ hơn 3.000 tỉ đồng… Theo ông Quân, nếu chỉ quy trách nhiệm cho Hậu Giang hay ông Vũ Huy Hoàng là chưa hẳn đúng.
Ông Vũ Cao Quân đặt vấn đề trách nhiệm của những người đã đưa ông Thanh về Hậu Giang. Ảnh: N.NAM
Cùng quan điểm, Thiếu tướng Lê Thanh Sơn, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Cần Thơ cũ, nhận định chuyện ông Thanh liên quan đến vấn đề tổ chức. “Cái này phải xem lại. Tôi 50 tuổi Đảng, nghe chuyện này cũng thấy nó kỳ kỳ” - ông Sơn bày tỏ.
Còn Thiếu tướng Lê Xã Hội, nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu 9, thì cho rằng vụ ông Thanh đã quá rõ ràng. “Hậu Giang có lỗi là xin ông Thanh về. Nhưng người quản lý cán bộ thì phải biết ông Thanh có vấn đề gì để nói địa phương không thể xin được” - ông Hội góp ý.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trả lời một số ý kiến cử tri chiều 4-8. Ảnh: N.NAM
Trả lời các ý kiến cử tri, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội, khẳng định ông Thanh không phải do Trung ương đưa về, không nằm trong danh sách cán bộ luân chuyển.
Cạnh đó, bà Ngân cũng cho rằng có vai trò của Ban Tổ chức Trung ương, vì phải có người ký duyệt thì ông Thanh mới về Hậu Giang được. Tuy nhiên, vấn đề này Tổng Bí thư đã chỉ đạo và Bộ Chính trị cũng đang cho kiểm tra, làm rõ.
“Hiện nay đang làm các bước tiếp theo và Tổng Bí thư chỉ đạo sẽ làm tới nơi. Ai liên quan đến việc đưa ông Thanh về Hậu Giang cũng sẽ bị xử lý” - bà Ngân cho hay.
Liên quan vấn đề biển Đông, các ý kiến cử tri vẫn mong muốn Quốc hội bày tỏ chính kiến bằng việc ra nghị quyết về vấn đề này. Đồng thời, các ý kiến cũng mong muốn đường lối lãnh đạo của Đảng và Nhà nước trước vấn đề Trung Quốc cần phải kiên quyết nhưng mềm dẻo để vừa giữ vững chủ quyền lãnh thổ, đồng thời đảm bảo cuộc sống hòa bình cho người dân.
Cạnh đó, vấn đề Formosa Hà Tĩnh cũng được nhiều người góp ý. Thiếu tướng Lê Xã Hội cho rằng Chính phủ cần xem xét kỹ vấn đề của Formosa, thà mất lòng trước được lòng sau.